Đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế-xã hội, tháng 3/2023, Thành phố Hồ Chí Minh và chín địa phương: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đã ký bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ đến năm 2025.
Sau hơn một năm thực hiện, các hoạt động hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ mang lại nhiều kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ và nhiều lĩnh vực khác đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Những chương trình hợp tác như quảng bá sản phẩm các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến các dự án liên kết đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số, đã mang lại những kết quả thiết thực. Cụ thể, các địa phương đã thực hiện được ba nội dung phối hợp cấp vùng trong năm 2023. Ðối với các hoạt động hợp tác song phương với chín tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ, năm 2023, đã thực hiện 26/33 nội dung phối hợp, bảy nội dung còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 và năm 2025...
Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Ðào Minh Chánh cho biết: Việc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch và y tế.
Việc tổ chức thành công các hội nghị, hội chợ và sự kiện kết nối cung-cầu đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và gia tăng mối liên kết giữa các doanh nghiệp. Công tác truyền thông được đẩy mạnh, giúp lan tỏa hình ảnh và thương hiệu của các tỉnh, thành phố, tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như nhiều nội dung hợp tác chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy hợp tác chưa thật sự nổi bật, dẫn đến việc chưa tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ðồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết: Trong năm 2023 và chín tháng đầu năm 2024, Nghệ An đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nội dung theo thỏa thuận nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai địa phương.
Các sở, ngành và các đơn vị liên quan giữa hai bên đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác. Các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An đã chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh. Giai đoạn 2023-2024, tỉnh Nghệ An đã thu hút được ba dự án của nhà đầu tư thành phố với tổng số vốn gần 615 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Nghệ An đã được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngược lại, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như giống, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị... của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêu thụ rộng rãi tại Nghệ An. Hoạt động kết nối, ký ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội cũng có nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực và hiệu quả.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ, liên kết để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của các địa phương, nhất là hợp tác về xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp, công thương, du lịch. Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, độc đáo, đa dạng là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, với tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là trữ lượng chì, kẽm hơn 3,5 triệu tấn, lớn nhất cả nước; diện tích đất rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng hơn 73% (gần 3/4 diện tích tự nhiên Bắc Kạn)… là tiềm năng cho phát triển công nghiệp khai thác, chế biến, phát triển kinh tế rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon. Ðịa phương này đang thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, điện gió, điện sinh khối, khu dân cư, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf, khu nuôi và đua ngựa, khu đua xe mô-tô địa hình, trung tâm thương mại…
Thông qua thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ, Bắc Kạn rất mong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch; kết nối thương mại, tiêu thụ các sản phẩm của Bắc Kạn.
Ðể việc thực hiện thỏa thuận hợp tác những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 hiệu quả, đi vào chiều sâu, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng chuỗi cung ứng và quảng bá sản phẩm địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với chín tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, triển khai hoạt động hợp tác sâu rộng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng của từng địa phương.