Tại Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa cảng logistics Việt Nam SuperPort™, Viện chiến lược Phát triển Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) diễn ra ngày 7/1/2025, TS. Yap Kwong Weng, Giám đốc điều hành của Việt Nam SuperPort™, nhận định việc xây dựng tuyến đường sắt mới kết nối các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc nói riêng và kế hoạch phát triển đường sắt tốc độ cao của Việt Nam nói chung là cơ hội lớn để phát triển các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.
Theo TS. Yap Kwong Weng, việc mở rộng và nâng cấp hệ thống đường sắt trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ cung ứng và bổ trợ cho những cơ sở hạ tầng này. Sẽ có nhiều doanh nghiệp được hình thành hơn do nhu cầu vận chuyển đường sắt ngày càng tăng, sau khi hạ tầng được nâng cấp trong thời gian tới. Những doanh nghiệp này sẽ hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ xây dựng, bảo trì cơ sở hạ tầng đường sắt cũng như logistics, dịch vụ vận tải.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Xuân Cường, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cho biết việc xây dựng một hệ thống giao thông kết nối hiệu quả, phát triển các trung tâm logistics tiên tiến và áp dụng các công nghệ hiện đại không chỉ là mục tiêu mà còn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự cạnh tranh và phát triển bền vững của quốc gia.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt có nhiều lợi thế tiềm năng mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng để thúc đẩy kết nối hạ tầng, nâng cao năng lực vận tải và tạo thuận lợi cho giao thương xuyên biên giới và đặc biệt gần đây nhất là Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc.
Theo đó, các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối như Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng là những tuyến quan trọng, không chỉ tăng cường năng lực vận tải hàng hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng biên giới và khu vực.
Tại sự kiện, Việt Nam SuperPort™ đã ký kết 2 biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược quan trọng. Trong đó, biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam SuperPort và Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giap thông Vận tải) sẽ triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả đến và đi từ Việt Nam SuperPort. Hai bên sẽ hợp tác, nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với cảng Việt Nam SuperPort, nhằm nâng cao năng lực hậu cần.
Với sự hợp tác này, cảng Việt Nam SuperPort™ được định vị là trung tâm trung chuyển hàng hóa chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Bên cạnh lập quan hệ đối tác với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Việt Nam SuperPort™ cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam. Nội dung hợp tác tập trung vào việc xây dựng nhà ga hàng hóa đường sắt tại Việt Nam SuperPort™ và 1 tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia Việt Nam, phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.