VÀO TOP 10 DOANH NGHIỆP VỐN HÓA LỚN NHẤT SÀN CHỨNG KHOÁN
Kết phiên ngày 4/12, cổ phiếu MCH đóng cửa quanh mức giá 222.000 đồng. Như vậy, trong năm 2024, MCH đã có đợt tăng điểm ấn tượng hơn 240% từ mức 89.200 vào ngày 2/1. Mức tăng giá này đã giúp MCH trở thành tâm điểm trên sàn UpCOM, cả về bước giá lẫn khối lượng giao dịch.
Với việc tăng giá mạnh mẽ trong thời gian qua, tính theo mức giá của phiên 4/12 thì MCH đang có mức vốn hóa tương ứng là hơn 161.000 tỷ đồng. Tuy niêm yết trên sàn UpCOM, nhưng mức vốn hóa này đã giúp MCH bước chân vào top những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có vốn hóa lớn nhất. Giá trị vốn hóa hiện tại của MCH cao hơn không ít “big cap” trên sàn HOSE như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Ngân hàng Quân Đội (MBB), Thế Giới Di Động (MWG), Vincom Retail (VRE).
SỞ HỮU CÁC “POWER BRANDS”
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá của MCH có thể đến từ những thông tin tích cực gần đây, bao gồm kết quả kinh doanh và khả năng huy động thêm vốn, IPO lên sàn HOSE mà lãnh đạo doanh nghiệp này vừa công bố tại Đại hội đồng Cổ đông 2024.
Masan Consumer hiện đang sở hữu 5 “power brands” hàng tiêu dùng. Mỗi thương hiệu có doanh thu hàng năm khoảng 150-250 triệu USD với “độ phủ” lớn. Đó là những nhãn hàng đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam như CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247, chiếm 80% doanh thu của MCH tại thị trường trong nước trong 7 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung từ năm 2017 đến 2023, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của MCH.
Theo Kantar, Chin-Su, Nam Ngư là những thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực thành thị; trong khi đó ở khu vực nông thôn là 4 thương hiệu: Nam Ngư, Chin-Su, Kokomi và Tam Thái Tử. Ở cả nông thôn và thành thị, MCH đều có tệp khách hàng trung thành, sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới và giúp gia tăng doanh số sản phẩm ở nhiều danh mục khác nhau.
Bên cạnh việc đầu tư cho hoạt động marketing quảng bá, MCH đặc biệt chú trọng vào công tác R&D để liên tục đưa các sản phẩm mới ra thị trường với tốc độ nhanh chóng. Thông qua Trung tâm phát triển sản phẩm và nghiên cứu người tiêu dùng (Consumer Innovation Center) để trò chuyện, trao đổi với cộng đồng “Consumers in love” - những người tiêu dùng tin yêu sử dụng sản phẩm, để tìm kiếm những ý tưởng, những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và phát triển các sản phẩm phù hợp. 9 tháng đầu năm 2024, 125 sản phẩm mới mang về 1.518 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 7% vào tổng doanh thu của MCH và tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, MCH đạt mức tăng trưởng doanh thu 10,4% so với cùng kỳ trong quý 3/2024, đạt 7.987 tỷ đồng. Con số tích cực này được đóng góp bởi chiến lược cao cấp hóa được triển khai trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Gia vị giúp đạt tăng trưởng lần lượt 11% và 6,7% so với cùng kỳ; và hoạt động đổi mới trong ngành hàng Đồ uống và Chăm sóc gia đình & cá nhân giúp đạt tăng trưởng lần lượt 18,8% và 12,4% so với cùng kỳ.
SẼ IPO TRONG NĂM 2025
Ngày 2/10, Masan Consumer công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Đồng thời, xin ý kiến cổ đông thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty, với mức tạm ứng cổ tức tối đa là 100% (tức 1 cổ phiếu được nhận mức tạm ứng cổ tức năm 2024 tối đa là 10.000 đồng).
Trước động thái thông qua của cổ đông về kế hoạch niêm yết MCH lên sàn HOSE có thể thấy rằng bước đi chiến lược này của doanh nghiệp đang đi đúng lộ trình đề ra. Bên cạnh đó, việc IPO Masan Consumer thành công sẽ giúp nâng cao định giá của các cổ phiếu họ Masan như MCH, MSN và lộ trình này ngày càng rõ ràng hơn với những thông tin tích cực từ doanh nghiệp và thị trường.
Quý 4/2024, Masan Consumer đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu bằng cách tiếp tục thực hiện chiến lược cao cấp hóa các ngành hàng Gia vị và Thực phẩm tiên lợi, thực hiện các đổi mới trong ngành hàng Đồ uống, Chăm sóc gia đình & Cá nhân và Cà phê hòa tan, đồng thời tinh giản danh mục hàng hóa để tối ưu hóa lợi nhuận.