Theo đó, bà Lê Thị Hoài Thương, phụ trách Đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết: Đối với Nestlé khi đưa ra chiến lược về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững hay tạo giá trị chung… tên gọi có thể khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là sự tiếp cận đồng bộ, bao trùm và đầy đủ các bên như các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính sách, nhà sản xuất hay các đối tác trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng. Đối với bao bì của Nestlé, tầm nhìn của doanh nghiệp hướng tới việc không có bao bì sản phẩm nào bị chôn lấp hoặc phát thải ra ngoài đại dương.
Trả lời câu hỏi về khó khăn trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, đại diện phụ trách Đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ rằng sự ủng hộ của người tiêu dùng rất quan trọng. “Người tiêu dùng càng ngày càng có yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh, lối sống xanh, doanh nghiệp xanh nhưng điều đáng buồn là khoảng cách giữa nhận thức và người thực sự hành động chỉ dừng ở mức 10%. Khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kinh tế tuần hoàn có chi phí cao hơn, sự lựa chọn của người tiêu dùng trở thành động lực cả về kinh tế lẫn tinh thần…”, bà Hoài Thương chia sẻ.
Đồng thời, bà Hương cũng cho biết, việc doanh nghiệp xanh được ghi nhận và có quy chuẩn quy định sẽ là bảo chứng đối với người tiêu dùng rằng sản phẩm đó thực sự xanh, có chuyển đổi để người tiêu dùng tự tin hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.
Cùng trao đổi về việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh ở doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, ông Hà Mạnh nêu: Đối với May 10 quyết định việc gì dễ thì làm trước nên May 10 đã quyết định chuyển đổi xanh hóa sản xuất, kinh doanh trong nội tại. Hiện tại, May 10 đã chuyển đổi hoàn toàn sử dụng hóa thạch, bình quân một năm trước đây là 1.500 tấn than đá hiện nay đã chuyển sang hoàn toàn dùng nguyên liệu sinh khối, điện hoặc gas. Điều này góp phần đáng kể trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, cả hai đại diện của doanh nghiệp đều thông tin rằng doanh nghiệp đang hướng đến việc chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Công ty TNHH Nestlé là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc tập đoàn Nestlé S.A. Đến thời điểm hiện tại, Nestlé đã hoạt động trên thị trường Việt Nam gần 30 năm.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của Nestlé Việt Nam, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, doanh thu của Nestlé đang tăng trưởng ở mức ổn định trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, trong năm 2022 doanh nghiệp này đạt mức doanh thu 17.298 tỷ đồng, tăng 8.6% so với năm 2021 và 12.2% so với năm 2020. Cũng theo Vietdata, mặc dù trong giai đoạn kinh doanh khó khăn nhưng Nestlé vẫn luôn giữ vững được mức lợi nhuận sau thuế của mình trong khoảng hơn 1.400 tỷ đồng.
Về May 10, hiện nay doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may thời trang, kinh doanh thời trang bán lẻ, dịch vụ khách sạn, nhà hàng; có 18 đơn vị thành viên tại 7 tỉnh thành trong cả nước, hơn 12.000 lao động với trên 60 cửa hàng và gần 200 đại lý.
Tổng doanh thu năm 2023 của May 10 đạt 4.248 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch, đạt 81,86% so với năm 2022.