Theo China Daily, công trình siêu kênh đào tên Bình Lục, kết nối thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc, với vịnh Bắc bộ, đã bắt đầu xây dựng vào ngày 28/8/2022. Tính đến tháng 11/ 2023, dự án kênh Bình Lục đã bước vào giai đoạn thi công xây dựng hạng mục chính và đã hoàn thành đầu tư 21 tỷ NDT.
Kênh đào có tổng chiều dài 134,2 km với tổng chi phí lên tới 72,7 tỷ NDT (khoảng 10,3 tỷ USD). Quá trình xây kênh đào Bình Lục, khoảng 340 triệu m3 đất và đá, gấp ba lần khối lượng được đào để xây dựng đập Tam Hiệp của Trung Quốc, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, sẽ được dọn sạch. Theo ông Lý Hiệu Hướng, một quan chức tại công trường, công việc được tiến hành 24/24 để đáp ứng thời hạn hoàn thành vào năm 2026.
Kênh đào Bình Lục sẽ giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ hệ thống sông nội địa ra biển tới 560 km so với đi qua thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Do đó, kênh đào giúp tiết kiệm tới 5,2 tỷ nhân dân tệ (gần 732 triệu USD) mỗi năm.
Đáng chú ý, kênh đào Bình Lục nhằm thúc đẩy thương mại vốn đã phát triển với 10 nước ASEAN, tất cả cùng với Trung Quốc nằm trong khuôn khổ thương mại tự do Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), theo Nikkei Asia.
Trong khi đó, ASEAN đang là “điểm sáng” của tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI. Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2023 đạt 4,4% và dự báo đạt khoảng 5% trong năm 2024 - vẫn giữ là một trong những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới (GDP của nền kinh tế thế giới chỉ đạt khoảng 3%).
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với thương mại hai chiều tăng 52% từ năm 2019 đến năm 2022 - vượt xa mức tăng 20% với Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, kênh đào Bình Lục, một dự án quan trọng tại khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc, dự án sử dụng nhiều công nghệ kỹ thuật số tiên tiến trong quá trình xây dựng và vận hành. Đặc biệt là các giải pháp về giao thông kết hợp sông - biển thông minh, giám sát an toàn cơ sở hạ tầng và quản lý logistics hiện đại. Quá trình giám sát thông minh và kiểm soát an toàn được triển khai để đảm bảo tính bền vững và an toàn trong suốt quá trình khai thác.
Bên cạnh đó, khu vực cảng liên quan đến kênh đào còn sử dụng xe tải không người lái và cảng container tự động tại Khâm Châu. Các xe tải này được điều khiển hoàn toàn tự động, giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa và rút ngắn thời gian vận tải từ Quảng Tây đến các nước Đông Nam Á.
Theo một báo cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc, dự án kênh Bình Lục được cho là có khả năng vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035, tăng lên 130 triệu tấn vào năm 2050. Báo cáo cũng cho biết con kênh sẽ chủ yếu vận chuyển than đá, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, khai khoáng, vật liệu xây dựng và container.
Ngoài ra, kênh Bình Lục còn bao gồm xây dựng hành lang sinh thái dọc kênh. Trong tương lai, sẽ khởi công xây dựng các dự án năng lượng xanh tại ba trung tâm lớn, quy hoạch bố trí các hành lang năng lượng sạch dọc tuyến kênh, thúc đẩy xây dựng các bến xanh tại các cảng sông nội địa dọc tuyến, thúc đẩy ứng dụng thí điểm tàu năng lượng mới, tạo ra một con kênh "gần như không có carbon.”
Chuyên gia thiết kế và lập kế hoạch dự án kênh Bình Lục, Ngô Bành cho biết, việc xây dựng kênh đào sẽ được kết hợp với việc quản lý toàn diện sông Tần Giang để duy trì và mở rộng các chức năng sinh thái của dòng sông ban đầu. Đồng thời, siêu dự án giúp tạo ra những bước đột phá trong công nghệ xây dựng kênh sinh thái xanh, bao gồm xây dựng các khu bảo tồn sinh thái, đường dẫn cá, bờ bảo vệ sinh thái…