Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thanh khoản dần cạn kiệt, đáy đã ở quanh đây?

Vneconomy 3 Tuần trước

VN-Index đã giao dịch căng thằng trong một tuần vừa qua. Chỉ số kết thúc tuần giảm 2,5% xuống mức thấp nhất một tháng là 1.252,7 điểm, HNX-Index giảm 2% xuống 224,6 điểm và UPCOM-Index giảm 0,9% lên mức 91,8 điểm. EIB, VNM và PDR là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, BID (-5,6%), GVR (-10%) và CTG (-4,6%) là các mã gây áp lực lên chỉ số.

Thanh khoản tuần qua giảm 2,5% xuống 15.411,3 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 1.182,6 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 1.046,1 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 193,5 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 57 tỷ đồng trên UPCOM.

Nhận định về thị trường tuần qua và dự báo xu hướng tuần tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho biết thị trường trải qua một tuần giảm điểm mạnh trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỷ giá gia tăng buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái đối phó như quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 tháng tạm dừng nhằm hút thanh khoản dư thừa trên hệ thống.

Động thái này đã kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên và kéo giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để hỗ trợ tỷ giá. Điều này khá tương đồng với giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn tháng 6-tháng 7.

Tuy vậy, áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó gây áp lực điều chỉnh lên đồng USD. Cụ thể, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới.

Đồng thời, thị trường cũng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết trong tuần tới với kỳ vọng về bức tranh chung theo chiều hướng khả quan, qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường.

"Với những yếu tố kể trên, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp. Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).

Thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả", ông Hinh nhấn mạnh.

Điểm lại thị trường chứng khoán thế giới, đại diện chứng khoán MBS cho rằng chứng khoán toàn cầu được dự báo sẽ còn biến động khó lường trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Chỉ số biến động $VIX tăng trung bình khoảng 25% từ tháng 7 đến tháng 11 trong những năm bầu cử.

Các tài sản an toàn như Vàng hoặc USD tiếp tục là kênh trú ẩn để phòng ngừa rủi ro trước thềm bầu cử ở Mỹ, bầu cử ở Nhật, và các cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của ba ngân hàng trung ương lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng các thị trường có thể đang đánh giá thấp rủi ro do địa chính trị và các cuộc bầu cử sắp tới gây ra.

Đối với thị trường trong nước, việc chỉ số Dollar tăng 4% trong vòng 1 tháng trở lại đây, mức cao nhất gần 4 tháng khiến tỷ giá USD/VND lại “nổi sóng” và đồng điệu với nhịp tăng của giá vàng trong nước, đang là nhân tố gây trở ngại cho thị trường trong ngắn hạn.

Tuần vừa qua, NHNN tiếp tục hút ròng hơn 41,6 nghìn tỷ đồng thanh khoản hệ thống nhằm nâng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Động thái hút ròng của NHNN đã khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong tuần vừa rồi. Tình hình này nếu kéo dài có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất, nhất là giai đoạn cuối năm thanh khoản hệ thống cũng thường đối mặt với áp lực gia tăng.

Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ đang chi phối thị trường trong tháng 10, so với 2 năm trước mức điều chỉnh của thị trường hiện tại tương đối nhẹ nhàng. Hiện thị trường không có thông tin hỗ trợ và dòng tiền kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường ở các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Nhịp điều chỉnh có thể vẫn còn tiếp diễn để thị trường kiểm tra vùng đáy tháng 9 hoặc retest ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 lần thứ 3 trong kịch bản chứng khoán thế giới chuẩn bị cho 2 tuần đầy biến động, sẽ là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng cho thời điểm hồi phục tháng 11.

Theo thống kê, kể từ năm 2017 đến nay, chỉ số Vn-Index đang có chuỗi tăng 4 năm liên tiếp và đã tăng 6 trong 7 năm gần đây.

Về kỹ thuật, nhịp điều chỉnh kể từ giữa tháng 10 khiến chỉ số Vn-Index để mất các ngưỡng kỹ thuật ngắn và trung hạn quan trọng như MA20, MA50 và MA100. Đáng chú ý, chỉ số này đã không giữ được xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 khiến các vị thế mua ở các phiên hồi rơi vào trạng thái cắt lỗ.

Hiện tại, thanh khoản đang đến giai đoạn cạn kiệt như đáy tháng 9 vừa qua ở vùng 14-15 nghìn tỷ (thấp nhất 12 nghìn tỷ). Do vậy, trong kịch bản chỉ số Vn-Index điều chỉnh đến vùng hỗ trợ 1.240 điểm (+/-3 điểm), thanh khoản càng thấp sẽ là tín hiệu tích cực, nhà đầu tư có thể mua thăm dò.

Xem bản gốc