Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thanh khoản suy yếu nhanh, thị trường phân hóa

Vneconomy 1 Tuần trước

Dòng tiền từ chối mua đuổi giá đã khiến đà tăng sáng nay suy yếu khá nhanh. VN-Index từ chỗ tăng gần 7 điểm đã quay đầu thành giảm 0,16 điểm. Thanh khoản vẫn là mối lo ngại chính khi những hưng phấn hôm qua đã biến mất, giá trị khớp lệnh sàn HoSE sụt giảm tới 38%, một phần vì nhóm cổ phiếu ngân hàng nguội lạnh.

Diễn biến bắt đáy và phục hồi chiều hôm qua là một tín hiệu tốt, nhất là khi thanh khoản đột ngột tăng cao. Tuy vậy đó là sự hào hứng trong chiều giá giảm. Sáng nay cổ phiếu tăng đã không nhận được sự đồng thuận từ dòng tiền, nhà đầu tư không muốn mua cao nữa khiến lực đỡ suy yếu. Một số cổ phiếu lớn từ từ giảm tạo áp lực lên chỉ số VN-Index, hình thành nhịp trượt giảm kéo dài phần lớn thời gian.

Không chỉ vậy, nhịp trượt ở chỉ số cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung khi nhiều cổ phiếu khác cũng giảm theo. VN-Index tại đỉnh lúc 9h50 tăng gần 7 điểm với 206 mã tăng/95 mã giảm nhưng đến cuối phiên sáng chỉ còn 140 mã tăng/178 mã giảm. Rổ VN30 từ chỗ có tới 27 mã tăng, giờ chỉ còn 9 mã và số giảm là 14.

Nhiều blue-chips trượt giá khá sâu và 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất sáng nay đều thuộc rổ VN30. Điều này cho thấy các blue-chips vẫn là nỗi lo chính. FPT – cổ phiếu lớn thứ 3 của VN-Index lao dốc 1,58% so với giá đỉnh và chốt phiên đảo chiều thành giảm 1,16% so với tham chiếu. CTG ngay từ đầu đã kém và chốt phiên là một trong những trụ kém nhất khi giảm 1,14%. HPG cũng đã bốc hơi 1,1% trong phiên và giảm 0,36% so với tham chiếu. MWG, MSN, STB, TCB, VPB là những cổ phiếu đảo chiều với biên độ rộng sáng nay và đều tạm kết thúc trong sắc đỏ. VN30-Index chốt phiên giảm 0,29%.

Thanh khoản của rổ VN30 sụt giảm tới 45% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 2.465 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn đến từ giao dịch chậm đáng kể của cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, sáng hôm qua 13 mã ngân hàng trong rổ này đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, sáng nay chỉ còn 873 tỷ đồng, giảm gần 58%. Mức giảm tuyệt đối khoảng 1.227 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, chiếm 62% mức giảm chung của cả rổ VN30 (giảm 1.985 tỷ đồng). Các mã khác như VHM, HPG, FPT… cũng suy yếu đáng kể về thanh khoản.

Mở rộng ra toàn sàn HoSE, giao dịch cũng sụt giảm ở nhiều nhóm khác. Cụ thể, tổng giá trị khớp lệnh của sàn đạt 5.342 tỷ đồng, giảm 38% so với sáng hôm qua tương đương hụt đi 3.292 tỷ đồng. Chỉ khoảng 41% trong mức giảm này là từ giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng ở sàn này, còn lại là các cổ phiếu khác.

Thanh khoản suy yếu nhanh, thị trường phân hóa - Ảnh 1

Dù vậy thị trường cũng không hẳn là xấu. Các chỉ số chịu sức ép từ nhóm trụ và đỏ, nhưng phần còn lại vẫn duy trì được độ phân hóa. Độ rộng VN-Index không quá chênh lệch dù trải qua một nhịp trượt giảm kéo dài trong buổi sáng. Mặt khác, tuy số lượng cổ phiếu giảm sâu hơn 1% lên tới 59 mã (trong tổng số 178 mã đỏ) nhưng chỉ 12 mã thanh khoản quá 10 tỷ đồng. 3 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất là MWG giảm 1,43% khớp 228,5 tỷ; STB giảm 1,04% khớp 185,2 tỷ và FPT giảm 1,16% với 163,4 tỷ. Tổng thanh khoản nhóm giảm trên 1% này chiếm 16,9% giá trị khớp cả sàn.

Phía ngược lại, trong 140 mã xanh có 50 mã tăng hơn 1%, tuy số lượng ít hơn nhóm giảm nhưng lại tập trung thanh khoản cao hơn với 19,4% tổng giá trị khớp của sàn. Duy nhất VCI và KBC đạt giao dịch quá 100 tỷ: VCI tăng 1,3% khớp 236,2 tỷ và KBC tăng 1,21% khớp 154,9 tỷ. Tuy vậy thanh khoản trung bình rải ở khá nhiều cổ phiếu khác với 20 mã giao dịch quá 10 tỷ đồng. DBC, CTD, VTP, BAF, HAG, DPM cũng thu hút dòng tiền khá tốt.

Như vậy thị trường duy trì được độ phân hóa ở cổ phiếu và thanh khoản tập trung rất lớn ở nhóm biến động hẹp. Điều này khiến tổng thanh khoản suy giảm không phải là tín hiệu bất lợi. Rõ ràng giá trượt giảm là do sức ép bán tăng dần, nhưng không đủ mạnh để gây biến động lớn.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giảm đáng kể cường độ bán, chỉ xả 691,7 tỷ đồng trên HoSE, giảm 31% so với sáng hôm qua. Mua vào tăng 25% với 371,9 tỷ, tương ứng bán ròng 319,8 tỷ. MSN chỉ còn bị bán ròng 29,1 tỷ, VHM khoảng 43,3 tỷ, giảm nhiều so với phiên trước. Ngược lại có TCB -45,3 tỷ, MWG -36,4 tỷ, FPT -23,4 tỷ. Bên mua chỉ có SAB +25,9 tỷ là đáng kể.

Xem bản gốc