(Xây dựng) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, thành phố Thủ Đức yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động về đất đai.
Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục về đất đai. (Ảnh minh họa) |
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo khoản 5 Điều 224 Luật Đất đai năm 2024 quy định: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật. Không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
Bên cạnh đó, Nghị định số 101/2024 quy định: Đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận (sổ đỏ) đã cấp thì khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký trên cơ sở thông tin về tài sản trên sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp người dân, doanh nghiệp có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản. Người dân, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện giao dịch nếu tài sản đã có thay đổi so với sổ đỏ đã cấp.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục chỉ không tiếp nhận hồ sơ hoặc dừng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu dừng của cơ quan có thẩm quyền...
Đồng thời, Nghị định số 101/2024 cũng không quy định việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động.
Ngoài ra, Quyết định số 17/2024 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã xác định trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Trách nhiệm kiểm tra, phát hiện những vi phạm trật tự xây dựng thuộc cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ đã cấp, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố và các chi nhánh giải quyết hồ sơ đăng ký biến động trên cơ sở thông tin về tài sản trên sổ đỏ đã cấp (trừ trường hợp người dân có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản).
Việc kiểm tra xác minh hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng sai phép, không phép không được quy định trong trình tự, thủ tục đăng ký biến động và cũng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai.
Việc không tiếp nhận hồ sơ hoặc dừng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người dân nếu có vi phạm xây dựng sẽ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 101/2024/NĐ-CP.
Tuy nhiên, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn nhận được nhiều thông tin phản ánh một số Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai vẫn kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ. Việc này là thêm thủ tục, không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện đúng quy định nêu trên khi giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận.