Thấy gì từ giá heo hơi 2024?
Khác với 2023, câu chuyện giá heo trở nên nóng hơn trong năm 2024, góp phần tô hồng bức tranh kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp. Lý do chủ yếu là câu chuyện về nguồn cung thiếu hụt, thúc đẩy từ nhiều yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, và Luật chăn nuôi 2025.
Nếu ví chuyện tăng giảm giá heo như một bản nhạc, thì năm 2023 mang hơi thở của một bản ballad trầm buồn và ảm đạm, trong bối cảnh giá heo hơi trung bình cả nước lao dốc từ đỉnh, kết năm ở mức giá dưới 50,000 đồng/kg.
Sang năm 2024, những nốt nhạc buồn biến mất, nhường chỗ cho một bản R&B sôi động và giàu tiết tấu. Từ mốc dưới 50,000 đồng/kg, giá heo hơi tăng vọt trong nửa đầu năm, chạm đỉnh 68,200 đồng/kg vào trung tuần tháng 6. Đà tăng sau đó chững lại, quay đầu giảm về khoảng hơn 61,000 đồng/kg tại tháng 11, rồi lại bật tăng trong tháng 12. Những ngày cuối năm, giá heo hơi tăng từng ngày, đạt gần 67,000 đồng/kg và có thể vượt mức đỉnh đã lập trong nửa đầu năm. So với cuối 2023, mức chênh lệch hiện tại là 30%.
Nguồn: VietstockFinance
Tại sao giá tăng?
Chia sẻ với truyền thông vào đầu năm 2024, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT BAF cho biết, năm 2023 là sự khó khăn với ngành heo toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc khi những ông lớn top đầu thế giới cũng chịu cảnh thua lỗ.
Giá heo năm 2023 giảm vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, nền kinh tế đi xuống khiến tổng cầu giảm. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi (ASF) như Chủ tịch Dabaco (HOSE: DBC) Nguyễn Như So nhận định là “nghiêm trọng với toàn ngành chăn nuôi”. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nông dân bán chạy dịch, làm tăng nguồn cung, dẫn đến đà lao dốc của giá heo.
Vẫn là câu chuyện về nguồn cung, nhưng diễn biến trong năm 2024 đảo chiều. Ông Ngô Cao Cường – hiện là Phó Tổng Giám đốc BAF (bổ nhiệm vào đầu tháng 12/2024) chia sẻ hồi tháng 5, các ông lớn chăn nuôi trên thị trường phải nhập heo giống với chi phí cao vì ảnh hưởng từ ASF – ước tính lên đến 1 triệu heo bị ảnh hưởng. Giá heo cao nhưng nhiều bên không đủ cung để bán, bởi người nông dân hoặc doanh nghiệp muốn tái đàn cần chờ đến tháng 12 mới có thể xuất chuồng. Mức giá vì thế liên tục tăng và neo cao trong 2 quý đầu năm 2024.
Tại quý 3, giá heo có xu hướng quay đầu giảm, đặc biệt là rơi khá mạnh trong tháng 10. Theo đại diện từ BAF, thời điểm này nguồn cung heo tăng mạnh vì các công ty, nông hộ bán heo chạy dịch, cùng ảnh hưởng do lũ lụt từ cơn bão Yagi khiến nhiều bên không còn chuồng trại để nuôi (do hỏng hóc hoặc sập), phải bán tháo. Ngoài ra, theo VCBS, còn một phần heo nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia, nhưng cũng sớm được kiểm soát chặt chẽ.
Một lý do khác, là kể từ 1/1/2025, Luật chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực trở thành thách thức lớn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là khối nông hộ, khi tạo ra một cuộc “đại di dời” hàng chục ngàn hộ ra khỏi khu vực không được phép. Việc di dời được nhận định sẽ gây ảnh hưởng đến đàn, bởi muốn lập trại mới không đơn giản với các quy định đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thú y, bên cạnh việc các thủ tục liên quan còn nhiều vướng mắc. Do vậy, lượng trại mới khó bù đắp nổi lượng di dời trong ngắn hạn.
“Nguồn heo đang cạn, lượng nái tại các đơn vị đang giảm dần, chủ yếu dịch bệnh và luật chăn nuôi” – trích nhận định từ đại diện BAF.
Nhìn vào số liệu, nguồn cung heo ra thị trường thực sự có dấu hiệu giảm sút khi lượng thức ăn chăn nuôi heo đi xuống. AgroMonitor thống kê, sản lượng thức ăn chăn nuôi trung bình giai đoạn 2022-2024 tại Việt Nam rơi vào khoảng 22 triệu tấn, trong đó hơn 50% dành cho chăn nuôi heo. Nhưng năm 2023, sản lượng chỉ đạt gần 11 triệu tấn, năm 2024 còn 8.7 triệu tấn (sản lượng ước đạt), tức thấp hơn 20%.
Đó là những nguyên nhân chính khiến giá heo trong giai đoạn cuối năm bật tăng mạnh. Khi nguồn cung heo giảm đi, các bên chưa thể tái đàn, chưa có heo thương phẩm bán ra, không đáp ứng đủ nhu cầu, giá heo sẽ theo đà đi lên.
Nguồn: AgroMonitor
Việc giá heo tăng mạnh đã góp phần tô hồng bức tranh kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi heo công nghiệp. Chẳng hạn, “trùm chăn nuôi” Dabaco lãi ròng quý 3/2024 tới 312 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ. Dù mức nền so sánh quả thực khá thấp, nhưng đây vẫn là mức lãi rất khủng của Dabaco, gần như ngang ngửa với thời kỳ 2020-2021. Sau 9 tháng, Doanh nghiệp lãi 530 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ.
Tương tự, quý 3 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cũng tăng trưởng tốt với 60 tỷ đồng lợi nhuận ròng, hơn cùng kỳ 54%. 9 tháng đầu 2024, doanh nghiệp “heo ăn chay” lãi ròng 214 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi đạt 21%.
Mảng nông nghiệp của Hoà Phát (HOSE: HPG) cũng có kết quả thuận lợi trong quý với doanh thu tăng 21%, lên hơn 1.8 ngàn tỷ đồng, cùng 281 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 80% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, mảng nông nghiệp HPG thu lãi gấp hơn 7 lần, đạt 689 tỷ đồng.
Nguồn: BAF
Trao đổi với người viết, đại diện từ BAF cho rằng trên thực tế, ngay cả các đơn vị chăn nuôi công nghiệp cũng rơi vào tình trạng thiếu heo, nên cơ hội sẽ đến với những bên có sẵn nguồn cung. Trong bối cảnh nguồn cung heo đang hạn chế và giá heo ngày càng leo thang, BAF vẫn bám sát định hướng mở rộng quy mô trong chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp hiện có 36 trang trại đang vận hành, gồm 8 trại mới đưa vào vận hành trong năm 2024; đồng thời đã M&A tổng cộng 12 trại mới từ đầu năm để đẩy nhanh quy mô đàn. Tổng đàn và sản lượng heo thương phẩm đều đã tăng mạnh so với đầu năm, lần lượt tăng 73% và 66% (tương ứng 520,000 và 1 triệu heo). Tính đến hết tháng 10, sản lượng heo bán ra đạt hơn 468,000 con, gấp 1.6 lần cả năm 2023; doanh thu bán heo đạt hơn 2.6 ngàn tỷ đồng, gấp gần 2 lần cả năm 2024.
Ngoài ra, vị đại diện cho rằng với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược là Tập đoàn Muyuan - đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn nhất thế giới – và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), dự kiến sản lượng heo bán ra của BAF sẽ đạt hơn 1 triệu trong năm 2025 và đạt khoảng 10 triệu heo năm 2030
Nguồn cung heo đi xuống ít nhất đến hết quý 2/2025
Dự báo xu hướng năm tới, đại diện BAF cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh và Luật chăn nuôi sẽ tiếp tục khiến nguồn cung heo bị giới hạn. “Nhiều đơn vị nhập đàn heo cụ, kỵ về vào đầu năm 2024, mà để ra heo thương phẩm phải mất 2.5-3 năm, đồng nghĩa họ sẽ chưa thể tham gia thị trường quá mạnh trong năm tới. Cơ bản, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung sẽ bị thiếu”.
Rủi ro lớn nhất hiện tại là giá heo trong nước đang có độ chênh khá lớn với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… dao động quanh 13,000 – 14,000 đồng/kg, qua đó làm tăng rủi ro nhập lậu. Tuy vậy, đại diện Doanh nghiệp cho rằng cơ quan Nhà nước đang làm rất gắt gao. Gần đây nhất, vào chiều ngày 25/12, cơ quan chức năng đã bắt giữ 3 xe chở heo nhập lậu từ Campuchia với số lượng tới 531 con, trọng lượng 60 tấn.
Công tác kiểm soát heo nhập lậu được nhận định còn chặt chẽ hơn trong giai đoạn tới. Với diễn biến này, dự kiến cuối năm 2024 và quý 1/2024, giá heo có thể tăng đến trên 70,000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tới sau tháng 6/2025, giá heo có thể dao động từ 65,000 – 70,000 đồng/kg do đàn nái từ các bên (doanh nghiệp, nông hộ…) đã đẻ, làm tăng nguồn cung. Nhìn chung, giá heo hơi cả năm được dự báo sẽ xoay quanh mức này. Dù vậy, trường hợp nhà chức trách cho phép nhập khẩu thịt đông lạnh, mức giá có thể hạ nhiệt.
Châu An
FILI
- 08:00 30/12/2024