Có nhiều điểm chung giữa 2 giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam và Thái Lan, vậy chúng ta có thể học hỏi những gì từ giải đấu của nước bạn?
Mặc dù giai đoạn quan trọng nhất của giải VĐQG 2024 còn chưa diễn ra nhưng lúc này Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã bắt đầu tính đến phương án tổ chức mùa giải 2025, sự chuẩn bị sớm là không thừa khi 2025 được hứa hẹn là năm đột phá của bóng chuyền nước nhà.
Cùng với việc đội tuyển bóng chuyền nữ lần đầu tiên tiến ra đấu trường thế giới FIVB World Championship 2025, giải VĐQG 2025 cũng hoàn thành mục tiêu tinh giảm số đội bóng xuống con số 8 đội.
Khi đã đạt đúng mục tiêu về số lượng, giờ là lúc cần tính đến phương án tổ chức hợp lý, tạo sức hút từ khán giả, nhà tài trợ cũng như gia tăng chất lượng chuyên môn của giải đấu.
Để dễ dàng hơn, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có thể tham khảo những giải đấu "hàng xóm" mà tiêu biểu nhất là Thai League, nơi cũng có 8 đội bóng tham dự và hoạt động tương đối hiệu quả!
Thai League ra đời vào năm 2005 dưới sự công nhận và hỗ trợ tích cực của Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan, Liên đoàn bóng chuyền châu Á cùng Liên đoàn bóng chuyền Thế giới. Sau nhiều lần cải tiến, giải đấu nam/nữ chốt lại với 8 đội bóng tham dự, diễn ra trong khoảng 4 tháng (từ tháng 11 năm nay tới tháng 2 năm sau).
Thể thức thi đấu của Thai League khá đặc biệt chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên 8 đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm. Giai đoạn 1 thường diễn ra trong tháng 11 và 12, đội đứng cuối BXH sẽ phải xuống hạng, đội hạng 7 chính thức trụ hạng nhưng dừng thi đấu.
Giai đoạn 2 diễn ra trong tháng 1 năm sau, 6 đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm chọn 4 đội có thành tích tốt nhất vào vòng Chung Kết, đây cũng là vòng đấu cuối cùng khi các đội tiếp tục đấu vòng tròn, tìm ra 2 cặp Bán Kết và sau đó là Chung Kết.
Vậy nhìn vào thể thức này có gì đặc biệt? Đầu tiên là sau giai đoạn 1, hai đội đứng cuối phải dừng cuộc chơi (trong đó có đội xuống hạng), như vậy hai đội đứng cuối chỉ được thi đấu 7 trận, tuy nhiên thực tế đây là những đội bóng không có tiềm lực.
Như mùa giải năm ngoái 2023/24, RSU VC (hạng 7) và EUREKA (hạng 8 - xuống hạng) là 2 đội bóng sử dụng 100% nội binh Thái Lan với đa phần là những VĐV địa phương "cây nhà lá vườn" còn rất trẻ, việc sớm kết thúc mùa giải phần nào giảm áp lực tài chính lên những đội bóng này, chỉ phải chi tiền ăn ở, đi lại trong vòng 2 thay vì 4 tháng (nếu tham gia từ đầu đến cuối giải).
Ngoài ra việc 2 đội bóng yếu sớm dừng cuộc chơi khiến chất lượng chuyên môn ngày càng gia tăng, ở giai đoạn 2 với 6 đội bóng tham dự nhiều trận đấu kịch tính kéo dài 5 set cũng bắt đầu xuất hiện, cho tới giai đoạn 3 quy tụ 4 đội bóng xuất sắc nhất. 4 đội bóng này đấu vòng tròn, tìm ra đội hạng 1 đấu hạng 4 và 2 đấu 3 tại Bán Kết.
Thể thức này giúp Thai Leauge nam/nữ có đến 48 trận đấu nhiều hơn giải VĐQG Việt Nam hiện tại (dù giải Việt Nam đang có 9 đội). Hơn hết từ giai đoạn 1, 2 và 3 đều có rất nhiều trận đấu hấp dẫn khi các đội bóng lớn liên tục gặp nhau do 3 lần đấu vòng tròn.
Về thời gian tổ chức Thai League diễn ra trong 4 tháng, các trận đấu được tổ chức vào các ngày cuối tuần từ thứ Sáu tới Chủ Nhật, di chuyển từ 3 đến 4 thành phố, qua đó tạo được sức hút lớn với NHM.
Việc giải đấu tổ chức liên tục cũng giúp chất lượng chuyên môn được gia tăng, các đội bóng dễ dàng tìm kiếm ngoại binh và có sự kết nối tốt hơn với các VĐV nội, thay vì chỉ làm quen vài tuần và thi đấu 10 ngày như hiện tại.
Nói về ưu điểm nhưng cũng không quên những yếu tố khách quan có thực sự phù hợp với bóng chuyền Việt Nam hay không? Dễ nhận thấy nhất giải đấu được tổ chức trong 4 tháng liên tục sẽ là thử thách lớn với kinh phí ăn, ở, di chuyển. Ngay cả những đội bóng lớn tại Việt Nam thì đây cũng là bài toán không dễ giải.
Dù vậy nếu sắp xếp lịch thi đấu phù hợp cũng như nhận được sự đồng thuận của các đội bóng, Thai League vẫn là mô hình mà Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng, hoặc chỉnh sửa sao cho phù hợp.