Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thí nghiệm cho muỗi mang bệnh sốt rét đốt để tìm thuốc đặc trị

Báo Tin tức 4 Giờ trước
Chú thích ảnh Muỗi mang mầm bệnh sốt rét. Ảnh: AFP/TTXVN

Plasmodium vivax là một loại ký sinh trùng gây sốt rét có thể tồn tại trong trạng thái "ngủ đông" trong gan. Nó có khả năng tái hoạt động sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm kể từ lần nhiễm ban đầu, dẫn đến các đợt tái phát.

Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu vắcxin Oxford muốn hiểu rõ hơn về dạng nhiễm trùng tái phát này trong những tháng sau khi một người bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Để thực hiện điều đó, họ sẽ gửi 5 người khỏe mạnh đến phòng thí nghiệm tại Trung tâm y khoa Đại học Radboud ở Nijmegen, Hà Lan, để cho muỗi mang ký sinh trùng Plasmodium vivax đốt. Sau đó, những người này sẽ trở lại Oxford để được theo dõi và điều trị nhằm ngăn chặn các đợt tái phát tiềm ẩn.

Nghiên cứu này thuộc loại hình "thử nghiệm thách thức con người", trong đó các tình nguyện viên khỏe mạnh được cố tình tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm để các nhà khoa học theo dõi cách cơ thể phản ứng với bệnh.

Giáo sư Angela Minassian, nghiên cứu viên chính của thử nghiệm từ Đại học Oxford, cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này nhằm đưa nhiễm trùng sốt rét vivax tái phát vào các tình nguyện viên khỏe mạnh trong điều kiện kiểm soát an toàn. Bằng cách này, chúng tôi hy vọng trả lời các câu hỏi quan trọng về cơ chế tái phát và phản ứng miễn dịch của cơ thể”.

Hơn 80% ca nhiễm sốt rét vivax trên toàn cầu là do các đợt tái phát, gây bệnh nặng cho cả người lớn và trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới.

Nếu thành công, nghiên cứu của nhóm có thể cung cấp một mô hình để thử nghiệm các loại vắcxin hoặc thuốc mới nhằm loại bỏ ký sinh trùng trong gan và chấm dứt tái phát, từ đó thay đổi cách con người chống lại căn bệnh khó khăn này.

Nghiên cứu mang tên BIO-006, hợp tác giữa Đại học Oxford và phòng thí nghiệm Draper, nhằm tìm hiểu sâu hơn về sốt rét vivax. Nghiên cứu bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: 5 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi 18-45 sẽ đến Hà Lan để bị muỗi mang Plasmodium vivax đốt. Giai đoạn 2: Sau khi bị muỗi đốt, họ trở lại Trung tâm lâm sàng vắcxin và Y học nhiệt đới ở Oxford để theo dõi. Trong 6 ngày đầu tiên, họ sẽ được liên lạc qua điện thoại hằng ngày và từ ngày thứ 7 sẽ được kiểm tra trực tiếp.

Khi phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu, họ sẽ được điều trị bằng thuốc chống sốt rét ngay lập tức. Tuy nhiên, loại thuốc này không tiêu diệt được ký sinh trùng "ngủ đông" trong gan, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các đợt tái phát trong vòng 6 tháng tiếp theo.

Các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra sức khỏe hai tuần một lần và nhận hỗ trợ y tế 24/7 nếu có dấu hiệu tái phát. Mỗi đợt tái phát sẽ được điều trị bằng thuốc chống sốt rét.

Kết thúc 6 tháng nghiên cứu, họ sẽ được uống thuốc chống sốt rét kèm với Primaquine, loại thuốc đặc trị giúp loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng trong gan. Sau đó, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi thêm 5 năm để đảm bảo không có tái phát bất ngờ.

Nghiên cứu này không chỉ giúp giải đáp những câu hỏi quan trọng về sốt rét vivax mà còn có thể mở đường cho việc phát triển các loại vắc xin và thuốc mới.

Nếu thành công, nó sẽ mang lại bước đột phá trong nỗ lực chống lại một căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.

Hồi cuối năm 2024, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt rét đã giết chết gần 600.000 người vào năm 2023, khi số ca mắc bệnh tăng trong năm thứ năm liên tiếp.

Các nhà lãnh đạo y tế thế giới cảnh báo các mối đe dọa sinh học như tình trạng kháng thuốc và thuốc trừ sâu ngày càng tăng, cũng như thảm họa khí hậu và nhân đạo tiếp tục cản trở nỗ lực kiểm soát bệnh này.

Trên toàn cầu, năm ngoái có 263 triệu ca mắc bệnh, nhiều hơn 11 triệu ca so với năm trước; 94% xảy ra ở châu Phi.

Xem bản gốc