Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thị trường đã cân bằng, VN-Index có thể rung lắc quanh 1.240 điểm

Vneconomy 1 Giờ trước

Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua phục hồi về mức đỉnh cũ nhờ lực đẩy từ chứng khoán Mỹ và Châu Âu tuần vừa qua. Kể từ ngày bầu cử (5/11), chứng khoán Mỹ tiếp tục thăng hoa với chỉ số Dow Jones lập kỷ lục mới, trong khi phần lớn các thị trường lớn khác trên thế giới dù đã phục hồi nhưng vẫn trong nhịp điều chỉnh từ đỉnh tháng 10.

Ở trong nước, Vn-Index phục hồi về vùng hồ trợ tâm lý 1.200 điểm, chốt tuần ở mức 1.228,1 điểm, tăng 9,53 điểm, tương đương tăng 0,78% so với tuần trước, sau nhịp giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh tháng 10. Mức phục hồi chủ yếu tập trung ở nhóm Vn30 với mức tăng +1,2% trong khi nhóm Midcap chỉ tăng nhẹ +0,2%, thậm chí nhóm Smallcap giảm -0,3%. Khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh hơn -5.000 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đã gần mức -91.000 tỷ đồng.

Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua còn 15.743 tỷ đồng, giảm 15,6% so với tuần trước đó. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 11 đạt 16.465 tỷ đồng, giảm -7,3% so với tháng 10 và sụt -14,7% svck, ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu năm. Lũy kế từ đầu năm đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng +25,6% so với năm 2023.

Nhận định về chiến lược thị trường, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích của Chứng khoán MBS cho rằng những diễn biến mới về sức mạnh đồng bạc xanh tiếp tục gây áp lực đến các đồng tiền quốc tế, trong đó có lo ngại mới về khả năng tỷ giá bước vào chu kỳ tăng mới. Tiền đồng cũng chịu áp lực không nhỏ khi tỷ giá liên ngân hàng tăng liên tục, cũng như những động thái điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.

Hiện chỉ số Dollar (DXY) đã tăng 3,93% kể từ ngày bầu cử (5/11). Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump có thể cung cấp một số kinh nghiệm cho thị trường. Sau khi vị tỷ phú Mỹ đắc cử hồi năm 2016, đô la Mỹ cũng tăng vọt, đi kèm với sự đi lên của giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - một mô hình tương tự những gì diễn ra gần đây. Chỉ số đô la Mỹ đã tăng hơn 5% trong giai đoạn kể từ ngày bầu cử đến hết năm 2016.

Theo bà Hiền, với thị trường trong nước, ở giai đoạn cuối tháng 4 và tháng 7 vừa qua, mức điều chỉnh hơn 9% của thị trường cũng có tác động từ yếu tố tỷ giá. Thời điểm hiện tại, sau nhịp giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh tháng 10, chỉ số Vn-Index cũng đã giảm -8%. Câu chuyện tỷ giá và đà bán ròng của khối ngoại là biến số chi phối thị trường giai đoạn này, tuy vậy nhìn lại quá trình bán ròng của khối ngoại 4/5 năm vừa qua, ở các năm khối ngoại bán ròng thì thị trường đều tăng điểm.

Đối với các nhóm cổ phiếu, sau nhịp giảm hơn 100 điểm vừa qua, một số nhóm cổ phiếu đã tạo được nền tích lũy và nhận được dòng tiền vào bắt đáy dù trên nền thanh khoản thấp như: Bất động sản, Chứng khoán, Dầu khí, … hoặc một số nhóm cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa như: Phân bón, hóa chất, Logistics, Cảng biển, … hay nhóm cổ phiếu xuất khẩu (Dệt may, thủy sản, gỗ) khi xuất nhập khẩu đến nửa đầu tháng 11 đã vượt trên 681 tỷ USD tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu tăng 14,8%, nhập khẩu tăng 16,6%...

Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã có kết quả tích cực khi kiểm định lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, đáng chú ý là diễn biến ở phiên 20/11 khi chỉ số này xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này sau đó phục hồi mạnh mẽ. Xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chưa thay đổi nhưng có thể kỳ vọng thị trường đang tạo vùng cân bằng sau nhịp giảm sâu.

Thanh khoản ở tuần phục hồi ở mức khá thấp nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực khi lượng hàng T+ đang được giữ lại khi kỳ vọng phục hồi còn tiếp diễn. Vùng hỗ trợ cho thị trường vẫn ở khu vực 1.180 – 1.200 điểm, đây là biên dưới của vùng dao động kéo dài 7 tháng qua (1.180 – 1.300 điểm) sau nhịp tăng kể từ tháng 11/2023 đến cuối tháng 3/2024.

Chuyên gia phân tích của Chứng khoán Mirae Asset nhận định: Sau nhịp giảm điểm ở những phiên đầu tuần, VN-Index ghi nhận đà phục hồi với mức tăng hơn 30 điểm từ mức thấp nhất của tuần và kết thúc tuần giao dịch với mức tăng hơn 9,5 điểm, đóng cửa tại 1.228,1.

Nhìn chung, đà tăng phần lớn được cô đọng tại nhóm Ngân hàng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu như CTG, TCB, BID, VPB và MBB. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm Bất động sản cũng đồng thời cải thiện diễn biến giao dịch chung và dần lan tỏa sắc xanh đến nhiều nhóm ngành như Dịch vụ tài chính, Vận tải hay các cổ phiếu riêng lẻ như MWG và FPT.

Trong ngắn hạn, VN-Index đã hình thành một nền giá mới xoay quanh vùng hỗ trợ 1.200 điểm. Qua đó, kỳ vọng diễn biến tăng điểm sẽ được tiếp diễn trong các phiên giao dịch tiếp theo nhằm tiếp tục kiểm định vùng kháng cự gần nhất tại 1.240 điểm.

Tuy nhiên, nhịp phục hồi trong tuần qua chưa phản ánh được sự đồng thuận trên diện rộng khi không đi kèm với sự cải thiện về thanh khoản cũng như về diễn biến giao dịch tại các nhóm ngành ngoại trừ nhóm Ngân hàng. Cụ thể, VN-Index vẫn ghi nhận khoảng 30% số lượng cổ phiếu niêm yết sàn HOSE đang giao dịch trên đường trung bình động 20 ngày và 60 ngày; qua đó cho thấy tín hiệu phân hóa tương đối rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu đầu ngành và nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa vừa và nhỏ.

Xem bản gốc