Các chuyên gia cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của Donald Trump tại Hoa Kỳ sẽ có tác động đáng kể đến các loại tiền tệ trên toàn thế giới. Theo đó, khuynh hướng lạm phát trong các chính sách của Trump sẽ làm giảm quỹ đạo cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và dẫn đến sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ (USD). Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) có khả năng sẽ yếu đi do sự phục hồi kinh tế đầy thách thức, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn và thuế quan thương mại sắp tới.
FED CHẬM CẮT GIẢM LÃI SUẤT - USD TIẾP TỤC BIẾN ĐỘNG MẠNH
Theo phân tích của ngân hàng UOB, đồng USD bắt đầu tăng giá từ tháng 10/2024 khi khả năng chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử trở nên rõ ràng. Sau khi Trump chính thức tái đắc cử vào tháng 11, USD tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số USD (DXY) đã tăng từ mức 100 vào tháng 10 lên 108 vào cuối tháng 12/2024, tương đương mức tăng 8% trong quý 4. Đồng bạc xanh cũng tăng giá so với đồng đô la Singapore (SGD), từ 1,28 lên 1,36 trong cùng kỳ.
Phân tích nguyên nhân đồng USD tăng giá mạnh, ông Heng Koon How Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore, cho rằng các chính sách mới của chính quyền Trump là động lực chính. Về chính sách, chính quyền Trump 2.0 sắp tới có khả năng sẽ mở rộng thêm các đợt cắt giảm thuế. Đồng thời, tăng thuế quan thương mại đối với Trung Quốc và có khả năng là các quốc gia khác như Canada và Mexico. Điều này có khả năng sẽ làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ cho Hoa Kỳ.
Phân tích của UOB cho thấy nếu thuế quan được tăng từng phần và theo giai đoạn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 0,3% vào năm 2025. Trong trường hợp mức tăng thuế quan đột ngột và toàn diện, CPI có thể tăng ít nhất 0,5%. Điều này có thể kích hoạt lạm phát ở Mỹ, gây ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ.
Dữ liệu CPI tháng 11/2024 cho thấy lạm phát hàng năm ở Mỹ duy trì ở mức 2,7%, cao hơn mục tiêu dài hạn 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Rủi ro lạm phát gia tăng có thể khiến Fed giảm tốc độ cắt giảm lãi suất.
Tại cuộc họp vào ngày 18/12, Fed chỉ dự kiến cắt giảm lãi suất hai lần trong năm 2025, thay vì bốn lần như trước đây. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn phản ánh kỳ vọng lạm phát cao hơn.
“Rủi ro lạm phát gia tăng, cùng với việc Fed cắt giảm lãi suất nông hơn và lợi suất dài hạn cao hơn, tất cả đều góp phần tạo nên bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh lên mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Trên thực tế, chúng tôi dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục mạnh, với DXY tăng cao hơn nữa trên 110 vào giữa năm 2025 với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giữ vững ở mức trên 4%”, ông Heng Koon How nhận định.
Cùng quan điểm, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, cho rằng mặc dù thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong năm tới, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu Fed không cắt giảm lãi suất trong năm 2025, điều này sẽ đẩy đồng USD lên cao hơn.
“Hơn nữa, khoảng hai phần ba mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác cuối cùng đều phản ánh vào việc giá trị USD tăng lên. Điều này có nghĩa là đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá nếu ông Trump tiếp tục thực hiện kế hoạch áp thuế lên Canada, Mexico, Trung Quốc”, ông Michael Kokalari đưa ra phân tích.
ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ CÓ KHẢ NĂNG YẾU ĐI
Theo các chuyên gia tại UOB, triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 được đánh giá là đầy bất định. Dù chính phủ Trung Quốc đã triển khai gói kích thích kinh tế lớn từ tháng 9/2024, lĩnh vực bất động sản vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc nợ.
“Dù các đồng tiền ASEAN có thể suy yếu, chính sách tài khóa và tiền tệ trong khu vực đủ vững vàng để giảm thiểu biến động lớn và giữ vững vị thế nơi trú ẩn an toàn cho các nền kinh tế. Với sự gia tăng rủi ro và biến động trên thị trường ngoại hối, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa trước sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ và hạn chế vay bằng loại tiền tệ này”.
“Điều này phần lớn là do tiêu dùng bán lẻ trong nước – một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng – chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Trung Quốc tiếp tục đối mặt với nguy cơ giảm phát khi tăng trưởng nguồn cung tiền vẫn ở mức thấp. Tình trạng này khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn của Trung Quốc giảm mạnh, hiện đã rơi xuống dưới mức 2%”, ông Heng Koon How cho biết.
Với việc thuế quan thương mại từ Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt vào năm 2025, các chuyên gia kinh tế ngày càng bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. “Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc xuống còn 4,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó”, UOB đưa ra dự báo.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã thừa nhận giai đoạn khó khăn này đối với nền kinh tế Trung Quốc với các tuyên bố chính thức cho rằng Trung Quốc hiện cần theo đuổi chính sách tiền tệ "khá nới lỏng" để hỗ trợ nền kinh tế. “Có nguy cơ đồng Nhân dân tệ tiếp tục suy yếu khi Trung Quốc theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu. Dự đoán, CNY sẽ tiếp tục suy yếu so với USD, từ mức 7,3 hiện tại xuống còn 7,6 vào quý 3 năm 2025”, ông Hen Koon How nhận định.
Quay trở lại đến các tác động đối với Việt Nam, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, cho rằng nhiều nhà phân tích lầm tưởng rằng việc CNY giảm giá mạnh so với USD sẽ rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam và gây áp lực giảm giá lớn đối với VND . Song, việc đồng CNY giảm giá từ 10-25% so với VND sẽ không làm mất đi tính cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vì mức lương công nhân ở Việt Nam chỉ bằng chưa đến một nửa so với Trung Quốc.
“Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm chi phí sản xuất ở Việt Nam, vì hơn một phần ba đầu vào sản xuất của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, biến động của đồng CNY có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường đối với tỷ giá USD-VND và chỉ số VN-Index”, ông Michael Kokalari nhận định.
ĐỒNG TIỀN CÁC NƯỚC ASEAN CÓ THỂ SUY YẾU, SONG KHU VỰC VẪN LÀ “NƠI TRÚ ẨN” AN TOÀN
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025 các nền kinh tế ASEAN đứng trước áp lực lớn, bị kẹp giữa hai yếu tố chính là thuế quan từ Hoa Kỳ và sự suy thoái kinh tế kéo dài của Trung Quốc.
Dưới thời chính quyền Trump lần đầu tiên, thuế quan đã được áp đặt lên Trung Quốc vào năm 2018, kéo theo sự giảm sút trong xuất khẩu của ASEAN suốt hai năm sau đó. “Với tầm quan trọng của thương mại đối với khu vực này, xuất khẩu sụt giảm đã dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền trong khu vực. Lịch sử tương tự có khả năng lặp lại vào năm 2025, khi chúng tôi dự báo các đồng tiền ASEAN như ringgit Malaysia, baht Thái Lan, rupiah Indonesia, đồng Việt Nam và đô la Singapore sẽ tiếp tục suy yếu”, chuyên gia tại UOB dự báo.
Tuy nhiên, những lo ngại lớn hơn xuất phát từ khả năng đồng CNY tiếp tục mất giá, đặc biệt nếu nó giảm sâu hơn mức 8,0 so với USD. Điều này có thể gây ra một cuộc "phá giá tiền tệ cạnh tranh" trong khu vực, làm gián đoạn sự ổn định kinh tế ASEAN.
Dù vậy, ông Heng Koon How cho rằng vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ kinh tế khu vực, bao gồm: Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đổ vốn vào ASEAN và thương mại nội khối mạnh mẽ nhờ vào hợp tác kinh tế trong khu vực giúp giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu ngoài khu vực.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối kỷ lục từ ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN giúp đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết. Cùng với đó là nhu cầu nội địa và du lịch khu đều đang phục hồi mạnh mẽ, tạo động lực tăng trưởng.