Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thị trường tín chỉ carbon rừng: “Nguồn lực xanh” cho nền kinh tế

Báo Dân tộc & Phát triển 1 Tháng trước
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng nhờ vào diện tích rừng rộng lớn và hệ sinh thái đa dạng.Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng nhờ vào diện tích rừng rộng lớn và hệ sinh thái đa dạng.

Những tín hiệu tích cực

Ngày 22/10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới đã ký kết Thỏa thuận Chi trả Giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) – đặt nền móng cho một hành trình mới trong việc giảm phát thải thông qua bảo vệ rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Sau 3 năm thực hiện, năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, lĩnh vực lâm nghiệp đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tự nhiên (10,3 triệu tấn CO2) giai đoạn 2018 - 2019 cho Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn.

Với kế hoạch xây dựng thị trường carbon nội địa vào năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường quốc tế vào năm 2029, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ khí hậu toàn cầu.

Theo Thỏa thuận ký kết thì Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải giai đoạn 2018 – 2024, tuy nhiên kết quả đo đếm kỳ 1 (2018 – 2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2, đã đạt kết quả cam kết ban đầu. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 51,5 triệu USD từ WB và điều phối cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ để thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi theo quy định.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ cũng có nhiều tác động tích cực.

“Trước hết, đối với các chủ rừng, giúp nâng cao năng lực về quản trị rừng, tiếp cận với những phương pháp, cách tiếp cận mới, quản lý rừng ngày càng tốt hơn. Thứ hai, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng giúp người dân hiểu rõ được lợi ích từ rừng. Trong quá trình theo dõi, giám sát diễn biến rừng, tất cả những yếu tố này đều tác động lớn, hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong nỗ lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững”, ông Lượng cho biết.

 “Nguồn lực xanh” cho nền kinh tế 1Trong các tỉnh Bắc Trung bộ, hiện Nghệ An đang thực hiện các bước chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ Carbon, bắt đầu từ năm 2025 và đến năm 2028 sẽ hoạt động chính thức. (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khảo sát việc trồng dược liệu dưới tán rừng ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An)

Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2022 cũng đã đưa ra khung pháp lý quan trọng để quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam. Nghị định này không chỉ cụ thể hóa cách thức chi trả và phân phối nguồn thu từ tín chỉ carbon mà còn đưa ra hướng dẫn chi tiết để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong các khoản tài chính đến cộng đồng sống nhờ rừng. Đây là bước chuyển pháp lý cần thiết, giúp các hoạt động giảm phát thải từ rừng tại Việt Nam có cơ sở vận hành vững chắc hơn.

“Kho vàng xanh” cho cộng đồng

Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng nhờ vào diện tích rừng rộng lớn với hơn 14,8 triệu ha và hệ sinh thái đa dạng. Thị trường này cũng mở ra các nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cộng đồng DTTS và người dân sống dựa vào rừng, đồng thời giúp họ chuyển từ sinh kế thuần nông sang mô hình bảo vệ môi trường có giá trị cao hơn, bền vững hơn.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng khá cao, hơn 42 %. Theo tính toán sơ bộ của các nhà khoa học từ năm 2021 - 2030 thì tổng lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng có thể đạt đến hơn 165.000 tấn CO2 và nếu Việt Nam thực hiện vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phần còn lại chúng ta có thể thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon.

“Đây sẽ là tiềm năng rất lớn nhưng tất nhiên trong thời gian tới cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để thực hiện được mục tiêu này”, ông Phạm Hồng Lượng chia sẻ

Tín chỉ các-bon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng, có tính bổ sung, được đo đếm, thẩm định, chứng nhận theo quy định tiêu chuẩn nhất định.

Tuy nhiên, để thị trường tín chỉ carbon đạt hiệu quả cao, việc phát triển đội ngũ chuyên gia, ứng dụng công nghệ giám sát, và tăng cường đào tạo cộng đồng tham gia dự án tín chỉ carbon cũng là những yếu tố quan trọng, quyết định tính bền vững của thị trường. Các chuyên gia nhận định, nếu không có sự hỗ trợ về kỹ thuật và đầu tư, thị trường tín chỉ carbon khó có thể đạt được tiềm năng tối đa.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Phạm Hồng Lượng cho biết thêm, hiện, Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường là những bộ luật khung để đưa ra các quy định về dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có các nghị định quy định chi tiết hơn như quy định quyền carbon là như thế nào, các tiêu chuẩn carbon áp dụng, các quy định về tổ chức chứng nhận hay là thẩm định kết quả giảm phát thải, quy trình đăng ký xây dựng dự án, tổ chức thực hiện dự án.

 “Nguồn lực xanh” cho nền kinh tế 2Thị trường tín chỉ carbon rừng mở ra các nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cộng đồng DTTS và người dân sống dựa vào rừng.

“Quá trình đánh giá, giám sát để đạt được tín chỉ carbon cần phải được quy định chi tiết. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, xây dựng nghị định quy định chi tiết dựa trên những kết quả thí điểm tại vùng Bắc Trung Bộ”, ông Lượng khẳng định.

Hiện nay, các bộ, ngành cũng đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới. Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

Xem bản gốc