Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thị trường tuần này: Thanh khoản khả năng giảm tiếp, nhưng Vn-Index vẫn mở rộng đà tăng?

Vneconomy 1 Tháng trước

Nối tiếp đà phục hồi cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán trong nước duy trì đà phục hồi tích cực trong tuần này và chỉ báo VN-Index đã lấy lại được mốc 1.250 điểm. Đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế.

Cụ thể, áp lực tỷ giá phần nào hạ nhiệt trong tuần qua khi chỉ số DXY điều chỉnh về quanh mức 106 sau khi đồng Yên tăng mạnh do kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản sẽ tiến hành tăng lãi suất trong các cuộc họp tới sau thông tin lạm phát nước này vượt mốc 2%.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin về tăng trưởng tín dụng đạt 11,12% tính đến ngày 22/11 cũng củng cố cho triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 14-15%, qua đó hỗ trợ cho triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý cuối năm. Thông tin tích cực khác bao gồm việc Quốc hội đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% và khối ngoại quay trở lại mua ròng đã thúc đẩy xu hướng phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.

Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 12, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect bày tỏ kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỷ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt. Điều này đến từ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm.

Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động,…Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực và lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect.

Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%. Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú huých lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới.

Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư cho năm tới, ưu tiên các nhóm ngành được kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4 như công nghệ, logistic, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của Chứng khoán MBS cho rằng sau nhịp giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh tháng 10 về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường trong nước đã tìm được vùng cân bằng và có nhiều kỳ vọng tạo đà cho nhịp phục hồi trong tháng 12.

Một số tín hiệu vốn là nút thắt đối với thị trường ở tháng 10 đã dần được tháo gỡ, đang hỗ trợ nhịp phục hồi trong “nghi ngờ” hình chữ V của chỉ số Vn-Index có thể kể đến như: Đối với thị trường thế giới, Chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của thế giới nhưng đáng chú ý là chỉ số Dollar (DXY) và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có sự điều chỉnh giảm, qua đó giảm sức ép lên tỷ giá USD/VND đối với thị trường trong nước.

Ở trong nước, càng về giai đoạn cuối năm, thị trường càng nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, qua đó giúp chỉ số Vn-Index phục hồi từ ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và có nhiều cơ hội để mở rộng đà tăng như câu chuyện tỷ giá cũng dần hạ nhiệt khi NHNN có các hoạt động bơm ròng để hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng đang trong xu hướng giảm.

Ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (nới room tín dụng) năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động kinh doanh một cách minh bạch và công bằng.

Tín hiệu rõ nét nhất hỗ trợ thị trường từ câu chuyện tỷ giá hạ nhiệt là việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 6 phiên liên tiếp sau chuỗi bán ròng kỷ lục hơn 3,3 tỷ USD trên toàn thị trường kể từ đầu năm.

Thanh khoản toàn thị trường có tín hiệu tạo đáy khi thanh khoản tháng 11 đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm (bình quân 16.000 tỷ đồng/phiên so với mức 22.000 tỷ đồng kể từ đầu năm)

Càng về giai đoạn nước rút cuối năm, thị trường càng nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực hơn như: Tại Công điện số 122/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thị trường cũng đón nhận một số thông tin vĩ mô tích cực như: Bộ Tài chính đã đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng, dịch vụ thêm sáu tháng, tức tới giữa năm 2025. Mục tiêu là nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của Chứng khoán MBS. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của Chứng khoán MBS.

Ngoài ra, Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT – VAT) sửa đổi, theo đó kể từ ngày 01/7/2025, phân bón chính thức trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với thuế suất 5%. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp phân bón nội địa hưởng lợi trong năm sau.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc ngành điện cũng đang mong chờ Luật Điện lực sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua tại Quốc hội trong tuần này, với định hướng tư nhân hóa ngành điện từ năm 2025. Theo đó, ngoài việc thông qua cơ chế giá điện hai thành phần, tăng giá bán lẻ cho EVN, các dự án năng lượng tái tạo vận hành theo mô hình mua bán điện trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phát điện được khuyến khích. Luật mới cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống.

Một số nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn như: Bất động sản, chứng khoán, dầu khí, …. Đã được dòng tiền quay lại bắt đáy khi trong nhịp giảm mạnh vừa qua

Về kỹ thuật, theo bà Hiền, nhịp giảm hơn 100 điểm của chỉ số Vn-Index kể từ đỉnh tháng 10 về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, tương đương mức giảm hơn 8% có nét tương đồng với 2 nhịp giảm mạnh hơn 9% ở các tháng 4 và 7 trong năm nay khi thị trường đã điều chỉnh về biên dưới của vùng dao động 1.180 điểm – 1.300 điểm suốt 7 tháng qua. Dù là nhịp phục hồi trong nghi ngờ khi thanh khoản vẫn tiếp tục giảm nhưng khả năng chỉ số Vn-Index tiếp tục mở rộng đà tăng đang được hỗ trợ từ các thông tin hỗ trợ trong nước.

"Thị trường có khả năng rung lắc ở vùng cản đáng chú ý 1.260 điểm trong tuần này, đây là cơ hội cho dòng tiền đến sau, cũng như là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục. Cơ hội đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu như: Bất động sản, Bất động sản KCN, Logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ), Viettel, thép, hóa chất, chứng khoán", bà Trần Thị Khánh Hiền khuyến nghị. 

Xem bản gốc