Tại sự kiện The Makeover 2024 diễn ra vào hai ngày 15-16/10 ở TP.HCM do Talentnet tổ chức, Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024 đã được công bố. Tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát để thực hiện báo cáo năm nay là 653, trong đó có 594 công ty đa quốc gia và 59 công ty trong nước. Dữ liệu bao quát 3.481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động trên khắp Việt Nam.
Phần chia sẻ về báo cáo do bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự Talentnet trình bày đem đến nhiều “insight” về nhân sự tại các công ty, trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều biến động.
Điểm nổi bật đầu tiên trong báo cáo liên quan đến độ tuổi người lao động. Theo dự báo, Gen Z sẽ chiếm 28,4% lực lượng lao động vào năm 2025 và trở thành nòng cốt trên thị trường lao động trong 5 năm tới. Tiếp đó, 10 năm nữa họ sẽ là lực lượng quản lý mới và 15 năm nữa sẽ trở thành quản lý cấp cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch đào tạo, phát triển để thế hệ này sẵn sàng nắm giữ những vị trí quan trọng trong giai đoạn tới.
Thứ hai, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương chỉ ra tình trạng “lạm phát” chuyên gia đang xuất hiện trong nhiều ngành nghề. Lý do là doanh nghiệp muốn sử dụng chức danh này như một hình thức thăng tiến, giữ chân những nhân sự có kinh nghiệm và hiểu biết về ngành nghề, nhưng chưa đủ khả năng hoặc không muốn trở thành quản lý. Lấy ví dụ trong lĩnh vực Thương mại, số chuyên gia trong báo cáo năm 2023 chỉ chiếm 7%, nhưng đã tăng vọt lên 15% trong năm 2024.
“Chức danh “chuyên gia” thường tồn tại ở các bộ phận, khối chức năng đòi hỏi kiến thức sâu như Nghiên cứu phát triển, Pháp lý,... nhưng trong năm 2024 lại gia tăng rất nhanh ở những lĩnh vực như thương mại, cung ứng, tài chính - bảo hiểm. Doanh nghiệp nên có quy định rõ ràng, tránh tình trạng lạm phát “chuyên gia” diễn ra”, bà Phương cho hay.
Vấn đề tiếp theo được chỉ ra từ báo cáo của Talentnet là nghịch lý số lượng quản lý. Có những ngành sở hữu tỷ lệ quản lý cao so với tổng số lao động của doanh nghiệp nhưng lại quản lý ít nhân sự, và ngược lại. Tiêu biểu là ngành Bất động sản. Dù có tới 31% số lao động là quản lý, nhưng trung bình mỗi nhân sự quản lý chỉ phụ trách 2 nhân viên. Trong khi đó, ngành Bán lẻ dù quản lý chỉ chiếm 8% nhưng mỗi quản lý sẽ phụ trách 13 nhân viên.
Điểm thứ tư trong báo cáo là tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện trong doanh nghiệp Việt giảm nhẹ, từ 19,4% năm 2023 xuống 9,6% trong nửa đầu năm 2024. Khi nền kinh tế đi xuống, người lao động có tâm lý ổn định công việc dẫn đến tỷ lệ này giảm. Ngoài ra, báo cáo cho biết bán lẻ tiếp tục dẫn đầu danh sách ngành có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất.
So với năm 2023, mức lương trung bình của mọi khu vực trên toàn quốc đều giảm, phản ánh xu hướng chung của thị trường.
Dù trung vị lương cơ bản tại TP.HCM giảm nhẹ 2%, đây tiếp tục là nơi có mức lương trung bình cao nhất. TP.HCM có khoảng cách về mức trả lương cao hơn Hà Nội đến 17% và cao hơn Đà Nẵng 25%. Nếu tính tổng thu nhập, chênh lệch được rút hẹp lần lượt còn 16% và 21%. Đáng chú ý, các khu vực khác ở miền Bắc và miền Trung có tỷ lệ giảm lương cơ bản khá cao so với năm 2023, lần lượt giảm 7% và 9%.
Về lương thưởng, số liệu trong báo cáo cho thấy tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm từ 6,7% (2023) xuống 6,3% (2024), nhưng tỷ lệ tăng thưởng lại tăng từ 19,2% lên 20,3%.
“Nếu nhìn vào những thông số như mức trả lương trên toàn quốc đều giảm, việc tỷ lệ tăng lương chỉ giảm nhẹ cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất nỗ lực đồng hành cùng người lao động trong giai đoạn kinh tế khó khăn”, bà Phương phân tích, nói thêm rằng nỗ lực từ doanh nghiệp được thể hiện qua tỷ lệ tăng thưởng. Đây cũng là cách để doanh nghiệp khích lệ nhân viên.