Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thời khắc mang dấu ấn lịch sử

Báo xây dựng 1 Tháng trước

Hai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã đến bước hoàn thiện cuối cùng, chờ phê duyệt.

Trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới, TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, với giá trị mang tính dẫn đường, hai đồ án quan trọng này ghi dấu thời khắc mang tính lịch sử cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Thời khắc mang dấu ấn lịch sử

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, lập hai đồ án quy hoạch quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065?

- Năm 2023, Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội quan trọng để Thành phố nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách, định vị các không gian phát triển, huy động nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Trước áp lực bảo đảm cả về tiến độ và chất lượng trong từng phần việc, không chỉ lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, mà các bộ, ngành cũng đồng thời chỉ đạo rốt ráo các đơn vị hoàn thiện 2 đồ án quy hoạch. Bởi chúng ta đều hiểu, mỗi việc tác động lên Thủ đô Hà Nội đều ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận vì Hà Nội là trung tâm Vùng Đồng bằng sông Hồng, trung tâm Vùng Thủ đô. Vai trò, vị thế của Hà Nội trong hệ thống đô thị quốc gia rất lớn. Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì sẽ là đầu tàu, tạo động lực và góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước.

Hai đồ án đã được xây dựng công phu, chất lượng, bám sát theo quy định, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô. Cách triển khai lập quy hoạch của thành phố Hà Nội đã đạt các tiêu chí khoa học, cách tiếp cận mới mang tính đa ngành. Qua đó, mô hình cấu trúc, phân vùng phát triển của Thủ đô Hà Nội đã không còn là một đô thị lớn mà hướng tới một vùng đô thị, gồm nhiều vấn đề liên quan đến liên kết vùng, chia sẻ chức năng.

- Là hai quy hoạch ở cấp khác nhau nhưng hướng chung một mục tiêu, tầm nhìn, thể hiện khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Vậy đâu là “kim chỉ nam” bảo đảm tính kết nối chặt chẽ, triển khai đồng bộ và thống nhất giữa hai đồ án quy hoạch quan trọng này?

- Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Nhằm phát huy tối đa vai trò chiến lược quan trọng của Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo xây dựng, phát triển Thủ đô. Mới nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mục tiêu và tầm nhìn trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nói lên khát vọng, bước đi cụ thể về một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", có vai trò, vị thế, thương hiệu toàn cầu, tự hào sánh vai cùng thủ đô các nước phát triển. Và đây chính là “kim chỉ nam” cho cả hai quy hoạch trên, định hướng phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... nhằm bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch, đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước.

Tiếp đó, ngày 24-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về hai đồ án quy hoạch. Kết luận ghi nhận một bước thành công rất quan trọng của Hà Nội trong xây dựng quy hoạch chiến lược, định hình không gian phát triển trong những thập niên tới. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng cho Hà Nội cùng các bộ, ngành phối hợp chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai ngay trong năm 2024. Với Kết luận số 80-KL/TW, Thành phố Hà Nội đã có thêm cơ sở, định hướng để hoàn thiện 2 bản quy hoạch với chất lượng và tính khả thi cao để được thông qua, đưa vào thực hiện, qua đó tiếp thêm động lực cho Thủ đô phát triển theo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thời khắc mang dấu ấn lịch sử
Giai đoạn hiện nay là thời điểm vàng để quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

- Ông đánh giá như thế nào về những nội dung chính của việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô?

- Hà Nội trong tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Những mô hình, cấu trúc phát triển mới mà Hà Nội hướng tới, đặc biệt là việc xây dựng ở hai bên bờ sông Hồng sẽ là điểm nhấn trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Với Hà Nội, sông Hồng là điểm nhấn quan trọng trong các đồ án quy hoạch mới, giúp Thủ đô khai thác nhiều hơn không gian xanh hai bên bờ sông, hình thành những khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực nhà ở gắn với không gian cộng đồng. Các đơn vị lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang có bước đi khá phù hợp với mong muốn của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, để tạo ra thế và lực, có tính đột phá mới phù hợp với quá trình đô thị hóa, nhằm tạo ra cực phát triển mới năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển chung của toàn thành phố, Vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng thì trong tương lai, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo mô hình chùm, đa cực, đa trung tâm. Cụ thể gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn); thành phố phía Tây (đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và thị trấn sinh thái...

Phát triển đô thị là một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, phải khẳng định, giai đoạn hiện nay chính là cơ hội, là thời điểm vàng để công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới trên cơ sở kế thừa những giá trị cũ để Thủ đô có được vóc dáng, vị thế như mong muốn.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Xem bản gốc