Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thủ phủ công nghiệp Việt Nam ghi nhận một kỷ lục chưa từng có

Markettimes 1 Tháng trước

Bình Dương được mệnh danh là thủ phủ của công nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Bình Dương là tỉnh có diện tích khu công nghiệp (KCN) lớn nhất cả nước với tổng diện tích 12.721 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam và 13% diện tích KCN cả nước. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%.

Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì thế, Bình Dương có nhiều lợi thế để thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm ngoái, vượt kế hoạch năm gần 3%. Với kết quả đạt được giá trị xuất khẩu của Bình Dương chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực của tỉnh gồm gỗ, dệt may, giày dép, sắt thép và sản phẩm điện tử, dự kiến đóng góp hơn 19 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD (tăng 27,7%, chiếm tỷ trọng 18,8% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh); dệt may đạt hơn 2,3 tỷ USD (tăng 12,8%); giày da đạt hơn 1,3 tỷ USD (tăng 18,7%)…

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là: Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất,chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương. Đây không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mà còn có tiềm năng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong tỉnh Bình Dương. Việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường này giúp các doanh nghiệp địa phương mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12%, chủ yếu từ các mặt hàng nguyên liệu sản xuất và máy móc thiết bị, với Trung Quốc là thị trường cung ứng lớn nhất.

Tổng chung, năm 2024, Bình Dương dự kiến ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 10 tỷ USD. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi số cùng các chính sách ưu đãi để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.

Song song với đó, Bình Dương tập trung vào việc nâng cao tay nghề cho người lao động, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe từ thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Theo thống kê, đến tháng 11/2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01% (kế hoạch tăng 8,0 - 8,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng (kế hoạch 185,5 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế với công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 64,83% - 25,06% - 2,73% - 7,38% (kế hoạch 65,95% - 24,35% - 2,51% - 7,19%).

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023 (kế hoạch tăng trên 8,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3% (đạt kế hoạch tăng 13-14%).

Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 11 tháng năm ước đạt 49.277 tỷ đồng, tương ứng 102,5% dự toán năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2025, tỉnh phấn đấu GRDP tăng 8 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người 195 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng (63,81% - 26,34% - 2,66% - 7,19%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 – 10%; tổng thu sách Nhà nước trên địa bàn 74.320 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,8 tỷ USD…

Xem bản gốc