Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5

Vneconomy 1 Tháng trước

Sáng 25/9, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM" (HEF 2024) chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP.HCM, đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

LẮNG NGHE KINH NGHIỆM TỪ QUỐC TẾ

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ vừa là Chủ tịch Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa là Trưởng ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù TP.HCM.

“Đây là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm hành động, đưa đầu tàu kinh tế của đất nước vượt qua chướng ngại vật, bứt phá trong thời gian tới”, Bí Thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

"Để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược đã đề ra, giai đoạn hiện nay cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, TP.HCM chọn chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu".

Bên cạnh đó, với vai trò của một trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ năng động, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. TP.HCM đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân. Đồng thời, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Nên cho biết Nghị quyết 31 đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm các nền kinh tế trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể.

Tại diễn đàn này, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết thành phố sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm, hiến kế hay của đại biểu trong nước và quốc tế. đồng thời cam kết hành động của chính quyền thành phố cho từng lĩnh vực cụ thể, từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

"Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và thực hiện hiệu quả những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại các hoạt động tại diễn đàn này", Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Nhận xét về chủ đề HEF năm nay, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM Phạm Bình An cho biết chủ đề năm nay, có tính tích hợp cao, đi vào thực tiễn, phù hợp với xu hướng thế giới và định hướng của đất nước.

Ông An thông tin chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi có tính chất nền tảng các ngành công nghiệp, do ứng dụng tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh.

"Đây được xem là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với trọng tâm giảm phát thải và thân thiện môi trường”, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM nhận định

Đồng thời, hướng đến mục tiêu tăng khả năng kết nối, đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập, các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế, nâng cao vị thế của TP.HCM, định vị lại vai trò của Thành phố trong mối quan hệ kinh tế với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

NHIỀU HIẾN KẾ GIÚP TP.HCM BỨT PHÁ

Tại phiên toàn thể của HEF 2024, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính, cụ thể: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp Thành phố trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp; kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp của Trung Quốc; tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyển đổi công nghiệp phục vụ tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững…

Đặc biệt, Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra chiều 25/9 với nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương. Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (Ho Chi Minh Economic Forum – HEF), sáng 24/9, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 năm 2024 (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác" đã khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo Thành phố cùng với Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng của các địa phương, bộ, ngành quốc tế đến từ Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Úc, Ấn Độ,…

Tại FD 2024, đại diện lãnh đạo các địa phương, bộ ngành quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm cho TP.HCM trong chuyển đổi công nghiệp. Theo bà Nadzeya Lazarevich, Phó chủ tịch thứ nhất, Ủy ban điều hành thành phố Minsk, Belarus, hiệu quả khi Thành phố Minsk đầu tư cho khu công nghệ cao và từ đó tạo ra các doanh nghiệp công nghệ cao và công nghệ đột phát. Thành phố này đã sớm xây dựng khu công nghệ cao từ năm 2011 và đến nay ngày càng phát triển.

Bà Nadzeya Lazarevich chia sẻ: “Sự phát triển của khu công nghệ cao là yếu tố quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo,  là cơ chế tương tác giữa khoa học và thực tế kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi công nghiệp, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển”

Trong khi đó, ông Kim Young-hwan, Tỉnh trưởng Tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc đây là tỉnh nhỏ và dân số ít nhưng là tỉnh dẫn đầu, trung tâm sáng tạo, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc. Đó là nhờ tỉnh có các chính sách đầu tư cho công nghệ dẫn đầu, thu hút nguồn nhân lực bằng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương, chi trả y tế cho người lao động…

HEF lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24-27/9 với loạt chuỗi sự kiện liên quan đến chuyển đổi công nghiệp. Một sự kiện quan trọng khác trong khuôn khổ của HEF 2024 là lễ khánh thành và lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM Trung tâm này là đầu mối về hợp tác, nghiên cứu chính sách, chuyển đổi, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận vốn tài trợ… không chỉ giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp TP.HCM mà còn cho doanh nghiệp cả vùng và cả nước.

Xem bản gốc