Ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật (Luật 56/2024/QH15), trong đó, tại khoản 22 Điều 5 của Luật quy định: “Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng”.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP
Để bảo đảm việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hóa. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2024, trong đó quy định cụ thể xử lý chuyển tiếp việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2024.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về nội dung phương án sử dụng đất, lập, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát, đánh giá chế độ quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế (trong đó có doanh nghiệp nhà nước) theo quy định của pháp luật về đất đai để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất đai do doanh nghiệp nhà nước sử dụng.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước, giải quyết những vướng mắc, khó khăn (nếu có) trong quản lý, sử dụng đất đai của các doanh nghiệp nhà nước.
KIÊN QUYẾT THU HỒI ĐẤT SỬ DỤNG KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH
Đối với chính quyền địa phương, yêu cầu HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
UBND các cấp có trách nhiệm quản lý về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.
UBND các cấp chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.
Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai,...
UBND các cấp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các doanh nghiệp nhà nước theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; chấm dứt việc sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, liên doanh, liên kết... không đúng quy định
Đối với các doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất đúng quy định; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng quy định; bàn giao lại đất khi Nhà nước thu hồi đất và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của doanh nghiệp mình.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất và thực hiện các quyền khác về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch. Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại Nhà nước để Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.