Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thúc đẩy cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Vneconomy 1 Giờ trước

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 23/10, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo Nghị định) có quy định thương nhân không được mua bán với nhau nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả và cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí.

 “Quy định này được đưa ra sau các cuộc thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan chức năng rồi kiến nghị với Bộ Công Thương và Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định với nội dung như vậy”, ông Chinh nhấn mạnh; đồng thời khẳng định những quy định này được cân nhắc kỹ lưỡng để thúc đẩy sự cạnh tranh và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp nói chung và thương nhân phân phối nói riêng. “Bản thân doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, tuy nhiên đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện”, ông Chinh nêu rõ.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cung cấp một số thông tin về Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cung cấp một số thông tin về Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Chuỗi cung ứng xăng dầu có 3 cấp, bao gồm: Phân khúc về tạo nguồn (đầu mối); doanh nghiệp phân phối; doanh nghiệp bán lẻ. Trong Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã thông qua việc cắt bỏ bớt khâu trung gian như tổng đại lý.

“Thực hiện quản lý theo chuỗi thẳng, chứ không quản lý theo chuỗi ngang”, ông Chinh nhấn mạnh, và cho biết điều kiện trở thành nhà phân phối và doanh nghiệp bán lẻ hoàn toàn khác nhau. Ở phân khúc nào doanh nghiệp phải đáp ứng đúng điều kiện của phân khúc đó, không có sự phân biệt đối xử.

Một điểm mới của Dự thảo Nghị định là đa dạng hoá phân khúc bán lẻ. Thậm chí, ngay cả việc treo biển, logo cũng do hai doanh nghiệp thoả thuận với nhau theo quy định của pháp luật, nhà nước không can thiệp.

Đối với thương nhân phân phối xăng dầu trong Dự thảo Nghị định đã rà soát và cắt bỏ nhiều điều kiện, như loại bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ xăng dầu 5 ngày, loại bỏ một số quy định về kho chứa…Ngược lại, thương nhân đầu mối xăng dầu lại tăng thêm các điều kiện để gắn trách nhiệm của đầu mối và tạo nguồn cho hoạt động phân phối. Cùng với đó là việc áp dụng số hoá trong công tác kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết khi xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã rất cầu thị và tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm để lấy ý kiến đóng góp. Bộ Công Thương sẽ xây dựng 2 phương án về thương nhân phân phối và xin ý kiến của thành viên Chính phủ. Với 30 đầu mối hiện nay, đã có thể tạo ra thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Xem bản gốc