(Xây dựng) - Bộ Xây dựng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
![]() |
Bộ Xây dựng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư; nhiệm vụ được giao tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 và Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; Tăng cường kiểm soát và ổn định thị trường bất động sản, giá nhà đất và chấn chỉnh, xử lý kịp thời việc thao túng, đẩy giá và đầu cơ bất động sản; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Kế hoạch của Bộ Xây dựng nêu rõ: Tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn.
Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội. Chỉ đạo, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”; Thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Công điện… liên quan đến tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đẩy mạnh truyền thông, công khai, minh bạch thông tin liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác; Phối hợp với Bộ Công an để cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, hoạt động xây dựng...
Ngoài ra, kế hoạch của Bộ Xây dựng cũng yêu cầu, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu mô hình giao dịch chứng khoán để thực hiện chuyển đổi số liên thông các thủ tục từ giao dịch bất động sản, công chứng, thuế và đăng ký giao dịch đất đai trên môi trường điện tử; Theo dõi tình hình thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp, giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường.