Thuế quan đối ứng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 được đánh giá là một “cú sốc” đối với nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh nhiều quốc gia chỉ vừa mới thoát khỏi giai đoạn lạm phát cao kỷ lục sau đại dịch Covid-19 và đang đương đầu sức ép từ nợ nần chồng chất cũng như xung đột địa chính trị.
Theo các nhà phân tích, cú sốc này có thể là một bước ngoặt đối với hệ thống toàn cầu hóa lâu nay luôn phụ thuộc vào sự mạnh và độ tin cậy của nước Mỹ - cấu phần lớn nhất của nền kinh tế thế giới.
"ĐỘNG THÁI THAY ĐỔI CUỘC CHƠI"
“Thuế quan của ông Trump có thể phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ là nước đi tiên phong kể từ Thế chiến thứ hai”, ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura, nhận xét với hãng tin Reuters.
Trong những tháng tới, tác động rõ ràng nhất sẽ là giá cả hàng hóa tăng lên và nhu cầu giảm, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và doanh nghiệp tại tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
“Tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ diễn biến theo hướng xấu đi, bất ổn hơn và thậm chí có khả năng sẽ tiến tới suy thoái toàn cầu”, ông Antonio Fatas, nhà kinh tế vĩ mô tại trường kinh doanh INSEAD ở Pháp và cũng là cố vấn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định. “Chúng ta đang tiến tới một thế giới tồi tệ hơn với tất cả mọi người bởi nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả”.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/4, ông Trump cho biết sẽ áp thuế quan cơ sở 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời dơ cao một tấm bảng thể hiện mức thuế quan đối ứng cao hơn với một số đối tác thương mại lớn nhất, bao gồm Trung Quốc 34% và 20% với Liên minh châu Âu (EU). Từ ngày 3/4, Mỹ cũng sẽ bắt đầu đánh thuế quan 25% với ô tô và phụ tùng nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Trump cho biết thuế quan đối ứng sẽ giúp Mỹ khôi phục các ngành sản xuất có tầm quan trọng chiến lược.
“Theo thuế quan toàn cầu mà ông Trump vừa áp đặt, thuế quan của Mỹ với toàn bộ hàng nhập khẩu sẽ tăng lên mức 22% - thuế suất cao nhất kể từ năm 1910”, ông Olu Sonola, giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ tại công ty Fitch Ratings, nhận xét. “Đây là một động thái làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với nền kinh tế Mỹ mà với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ xảy ra suy thoái”.
Tại một sự kiện hồi đầu tuần này, Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, nhận định suy thoái toàn cầu khó xảy ra ở thời điểm này. IMF mới chỉ điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống mức 3,3%. Tuy nhiên, tác động với từng nền kinh tế sẽ khác nhau, bởi thuế quan đối ứng của ông Trump dao động từ 10% với hầu hết các quốc gia tới 49% với Campuchia.
THẾ GIỚI ĐẢO NGƯỢC
Theo các nhà phân tích, nếu theo sau đây là một cuộc chiến tranh thương mại trên quy mô lớn, các nước sản xuất như Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn nhất khi nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, buộc họ phải chạy đua để tìm kiếm thị trường mới.
Và nếu thuế quan đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, điều này sẽ tác động mạnh tới các quốc gia đang phát triển vốn có liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Những điều xảy ra ở nước Mỹ không chỉ gói gọn bên trong nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ quá lớn và quá kết nối với phần còn lại của thế giới, thông qua dòng chảy thương mại và vốn" ông Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nhận định.
Chuỗi cung ứng tồn tại nhiều năm đột ngột bị đứt gãy sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng lên, dẫn tới lạm phát có thể vượt 2% - mức mục tiêu kiểm soát của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.
Điều này sẽ làm khó các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - những người đang đương đầu áp lực tăng lãi suất do lạm phát tăng trong khi các nền kinh tế lớn khác đang hạ lãi suất. Đó là chưa kể nền kinh tế Nhật cũng phụ thuộc vào xuất khẩu và chịu tác động lớn bởi thuế quan của Mỹ. Dù là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản chịu thuế quan đối ứng 24%, và Hàn Quốc - một đồng minh khác của Washington - chịu thuế suất 25%.
Cú sốc thuế quan diễn ra trong bối cảnh nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục 318 nghìn tỷ USD và các chính phủ đang phải dành tiền cho các ưu tiên từ quân sự cho tới ứng phó biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội.
Với Mỹ, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu thuế quan không giúp ông Trump đạt mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ đang ở gần trạng thái toàn dụng lao động (full employment) - trạng thái mà ở đó tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm.
“Từ kỷ nguyên chiến tranh lạnh, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới theo đuổi trật tự đa phương dựa trên luật lệ”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phát biểu tại một sự kiện ngày 2/4 ở Ireland. “Giờ đây, chúng ta phải đối mặt với sự biệt lập, phân mảnh và bất ổn. Châu Âu cần hành động ngay và đẩy nhanh cải cách kinh tế để cạnh tranh trong ‘thế giới đảo ngược’ này”.