Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính tới nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài

Vneconomy 3 Ngày trước

Tại hội thảo “Thông tin kinh tế quý 3 của Việt Nam và tác động kinh tế xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các ngành công nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam đang áp dụng với 26 ngành nghề, song nguồn thu từ loại thuế này lại chủ yếu tập trung từ ba nhóm ngành là đồ uống có cồn (bia rượu), ô tô và thuốc lá.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT RẤT LỚN

Thống kê từ năm 2018 - 2022, tổng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm từ 10% tổng số thu của thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm chưa tới 15% trên tổng số thuế thu.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp phần rất lớn vào ngân sách mặc dù thuế này chỉ đánh trên số lượng rất nhỏ của các nhóm hàng”, bà Vân nói.

Thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập 20% tính trên lợi nhuận, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu là 10% thậm chí có những nhóm hàng 65-75%. Như vậy ảnh hưởng của nó rất lớn nên một trong những định hướng của Chính phủ (tương đồng với một số quốc gia) là dần dần tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và mở rộng nhóm hàng.

Bà Vân nêu lại quan điểm cho rằng mục đích tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết tiêu dùng chứ không phải thu ngân sách, song trên thực tế loại thuế này lại đóng góp nguồn ngân sách rất lớn.

Trong dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này, bà Vân cho rằng có khá nhiều sửa đổi, nhưng có 3 ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất là thuốc lá, đồ uống có cồn (bia rượu) và đồ uống có đường (lần đầu tiên được đưa vào). Dự kiến thuế áp cho đồ uống có cồn và có đường trong dự thảo đưa ra rất cao – cao hơn rất nhiều so với mức trung bình tăng của lần sửa đổi trước. Bà Vân cho rằng việc áp thuế này sẽ có tác động đến mức giá và tiêu dùng của ngành này.

Cụ thể với mặt hàng bia, theo hai phương án đề xuất của dự thảo: Phương án 1, năm 2026 là 70%, năm 2027 là 75%, năm 2028 là 85%; năm 2029 là 85% và năm 2030 là 90%; Phương án 2: năm 2026 là 80%; năm 2027 là 85%; năm 2028 là 90%; năm 2029 là 95% và 2030 là 100%.

“Nhìn lại trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt thông thường sửa đổi khoảng 3 -5 năm/lần, mỗi lần sửa đổi nếu tăng chỉ khoảng 5% và thời hạn 3-5 năm. Nhưng với đề xuất mới, mỗi năm tăng thêm 5% và tăng liên tục cho tới năm 2030”, bà Vân phân tích và cho rằng với mức độ tăng này sẽ tác động tới ngành bia.

“Sản xuất có tăng nhưng tiêu dùng của Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước Covid, đồng nghĩa với sức mua vẫn chưa đạt thời điểm trước Covid. Như vậy, việc tăng thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Giá đắt hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phục hồi tiêu dùng trong nước”, bà Vân nói.

Thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính tới nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài - Ảnh 1

Bà Vân đưa ra bức tranh thị trường bia Việt Nam nếu chịu tác động của việc tăng giá khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự tính giá bán lẻ bia do ảnh hưởng của thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 2030 sẽ tăng trung bình khoảng 20-30% so với giá bán lẻ năm 2025 cho cả 3 phân khúc (giá cao, giá trung bình, giá bình dân).

Sản lượng tiêu thụ giảm tự nhiên 1%/năm, mức tăng giá tự nhiên 1%/năm, độ co giãn của cầu theo giá (PE) 0,5%, nhà sản xuất tăng giá để bù đắp 50% chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm.

Đến năm 2030, tổng lượng tiêu thụ và doanh thu toàn ngành giảm mạnh; thu ngân sách nhà nước tăng (do thuế tăng từ 65% lên 100%), nhưng không bền vững.

CHÍNH SÁCH THUẾ CẦN KHUYẾN KHÍCH ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ

Trước bức tranh trên, các ý kiến tại hội thảo đều đồng tình cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, bà Vân cho rằng chính sách thuế cần khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư cho phát triển sản xuất, mở rộng doanh thu và làm ăn có lãi. Trên cơ sở mở rộng nguồn thu, doanh nghiệp sẽ đóng góp thuế nhiều hơn và tạo việc làm, giá trị gia tăng cho xã hội.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại cấp cao Heineken Việt Nam, cho rằng mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do doanh số sụt giảm, gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế.

Hiện tượng này đã được quan sát ở nhiều nền kinh tế lớn như Úc, Vương quốc Anh. Một ví dụ cụ thể tại Bỉ, vào tháng 11 năm 2015, Chính phủ Bỉ đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu mạnh lên hơn 40%, với kỳ vọng thu thêm 128 triệu EUR trong 6 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, việc tăng mạnh này đã phản tác dụng khi lượng hàng bán giảm 33% khi giá rượu mạnh tăng hơn 20%, dẫn đến việc chính phủ không đạt được mục tiêu về thu thuế.

Thậm chí, quốc gia láng giềng Thái Lan còn mạnh tay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thức uống có cồn để kích cầu ngành du lịch và các ngành liên quan khác. Năm 2024, Thái Lan thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể, cắt giảm thuế rượu vang từ 10% xuống 5% và loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn nội địa. Chính sách này đã phục hồi ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, từ đó giúp nền kinh tế khởi sắc.

“Để tạo môi trường ổn định cho các ngành công nghiệp phục hồi, chúng tôi kiến nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong một năm kể từ năm 2026 khi luật sửa đổi bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2027. Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi kiến nghị sau mỗi 2 năm thì tăng thuế một lần và mỗi lần tăng 5%, đến năm 2031 tăng tối đa đến 80% và duy trì ổn định”, ông Phúc kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo đại diện Heineken, cần đẩy mạnh triển khai bộ giải pháp tổng thể bằng cách thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng tích cực thông qua các chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức về việc sử dụng thức uống có cồn an toàn và có trách nhiệm.

Đánh giá về bức tranh thu ngân sách thời gian qua, TS. Nguyễn Quốc Việt -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), cho rằng, nếu so bình diện tổng thu ngân sách trên GDP so với các quốc gia trong khu vực, tính bền vững trong các nguồn thu ngân sách nhà nước chưa cao, mặc dù tỷ trọng thu nội địa tăng cao, nhưng tỷ trọng lớn vẫn là thu từ thuế tiêu dùng, các nguồn thu từ đất và tài nguyên.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước/GDP có xu hướng giảm, nhu cầu bội chi cho đầu tư phát triển khiến gia tăng số nợ chính phủ, nhất là nợ khu vực tư nhân.

Các nguồn thu từ thuế trực thu mặc dù có dấu hiệu tích cực đóng góp vào ngân sách nhà nước giai đoạn sau Covid-19 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng cũng như tỷ trọng chưa cân xứng giữa các khu vực kinh tế.

Do đó, để đảm bảo cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững, cần phải đặt các chính sách mới điều chỉnh thay đổi sắc thuế trong tổng thể cơ cấu các nguồn thu. Cần đánh giá kỹ các tác động chính sách khi có sửa đổi căn bản các luật thuế cả thuế trực thu và thuế tiêu dùng như dự luật thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Xem bản gốc