Ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia diễn ra Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”.
Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ được triển khai từ năm 2003 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh trên thị trường. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, là quốc gia có nền sản xuất phát triển, nhiều hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
SẢN PHẨM ĐẠT THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA LIÊN TỤC TĂNG
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ. Trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024.
Theo Thủ tướng, đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động và người dân, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là 1 trong những chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.
Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt. Điều này góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế. Đồng thời khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia.
Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
“Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
KHAI THÁC CƠ HỘI TỪ XU HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong.
Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
“Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"”, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng lưu ý, thời gian tới các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.
Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.
Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm.
Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng…
Thủ tướng cho rằng, điều Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhất, chia sẻ, gửi gắm nhiều nhất là các doanh nhân, doanh nhân đem thời gian, trí tuệ, lòng nhân ái, tinh thần đạo đức kinh doanh là những cội nguồn cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, tiến vào kỷ nguyên xanh.
Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quốc tế.
Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới.
Theo Ban tổ chức, sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 là 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm.
Trong số các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ... cao hơn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đạt giải Thương hiệu quốc gia năm 2024 như: Công ty cổ phần Điện lực Gelex, Công ty TNHH may thêu giày An Phước, Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm... 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn thương hiệu quốc gia Việt Nam 9 kỳ liên tiếp.