Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công thương, trung bình hiện nay, số lượng sản phẩm và hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng 55%, trong khi số lượng sản phẩm Việt Nam có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử tăng 24%.
TMĐT xuyên biên giới không chỉ giúp DN thoát khỏi rào cản về quy mô và tính mùa vụ của thị trường mà còn nâng cao nhận diện thương hiệu tại các thị trường quốc tế. Đặc biệt, khả năng phản hồi nhanh với nhu cầu thị trường thông qua các công cụ trực tuyến như đánh giá sản phẩm, trò chuyện trực tiếp hay phân tích dữ liệu khách hàng... Từ đó, giúp DN đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng một cách hiệu quả".
Bà Lê Hoàng OanhCục trưởng Cục TMĐT&KTS, Bộ Công thương
Cũng theo khảo sát của Cục TMĐT&KTS, hiện có khoảng 53% doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu trực tuyến (online) qua sàn TMĐT; 47% còn lại sử dụng website hoặc ứng dụng do DN tự xây dựng. 60% DN tham gia cho biết giá trị hàng hóa xuất khẩu qua TMĐT chiếm 10% - 30% tổng doanh thu của DN. Các thị trường chủ lực mà các DN Việt Nam đang hướng tới qua kênh TMĐT là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Còn theo báo cáo mới đây từ Amazon Global Selling Việt Nam, trong năm qua, hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được xuất khẩu thông qua nền tảng TMĐT, với giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới đạt mức 28,5% so với năm trước, minh chứng cho tiềm năng lớn của thị trường và khả năng tận dụng nền tảng số của DN Việt.
Tại hội nghị về tiềm năng và cơ hội của TMĐT xuyên biên giới do Bộ Công thương tổ chức ở Hà Nội vừa qua, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS khẳng định, TMĐT xuyên biên giới đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Nhờ TMĐT, các DN Việt Nam đã mở rộng thị trường quốc tế và đạt mức tăng trưởng đáng kể.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, TMĐT xuyên biên giới không chỉ giúp DN thoát khỏi rào cản về quy mô và tính mùa vụ của thị trường mà còn nâng cao nhận diện thương hiệu tại các thị trường quốc tế. Đặc biệt, khả năng phản hồi nhanh với nhu cầu thị trường thông qua các công cụ trực tuyến như đánh giá sản phẩm, trò chuyện trực tiếp hay phân tích dữ liệu khách hàng... Từ đó, giúp DN đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai các hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Những khó khăn thường gặp bao gồm hạn chế trong tiếp cận thông tin thị trường, rào cản ngôn ngữ, quy định pháp luật, logistics và thanh toán...
Bên cạnh đó, các biến động quốc tế, căng thẳng thương mại và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đang đặt ra những đòi hỏi lớn về sự đổi mới và nỗ lực từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Theo nhận định của các chuyên gia, TMĐT xuyên biên giới là kênh xuất khẩu tiềm năng giúp các DN tăng doanh số, mở rộng thị trường; đồng thời giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Nếu không nhanh chóng tận dụng cơ hội này, DN Việt Nam có thể bị đối thủ chiếm lĩnh thị trường. Do đó, việc nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT được xem là giải pháp chiến lược để hàng hóa Việt Nam vươn xa.