Tại buổi tọa đàm ngày 12/1, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nhấn mạnh rằng việc phân bổ tài sản là yếu tố then chốt trong đầu tư tài chính. Để xây dựng một danh mục đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư cần xác định hồ sơ rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng, chu kỳ kinh tế và các kênh đầu tư phù hợp.
Chuyên gia FIDT đánh giá, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế phục hồi. Các dấu hiệu bao gồm lãi suất duy trì ở mức thấp, GDP tăng 7,09% trong năm 2024 vượt mục tiêu, sản xuất công nghiệp hồi phục và doanh số bán hàng tăng trưởng với mức tồn kho thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng được đáp ứng dễ dàng hơn, trong khi thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trưởng.
Vàng
Năm 2024, giá vàng thế giới tăng mạnh do lãi suất thấp và nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, FIDT dự báo rằng tăng trưởng của vàng trong năm 2025 có thể sẽ chững lại, trừ khi xảy ra các sự kiện bất ngờ như khủng hoảng tài chính hoặc nhu cầu mua mạnh từ các ngân hàng trung ương.
Trong mọi kịch bản, FIDT khuyến nghị chỉ nên phân bổ 5% danh mục vào vàng, duy trì như một lớp tài sản đảm bảo an toàn.
Còn tại hội nghị Nhà đầu tư của Dragon Capital trước đó, quỹ công bố bảng đánh giá hiệu suất các kênh đầu tư với thang điểm tối đa là 5. Theo đánh giá của quỹ này, vàng có hiệu suất thấp hơn so với cổ phiếu, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, chỉ đạt từ 2 đến 2,5 điểm.
Các chuyên gia của Dragon Capital lý giải, giá vàng thường biến động khó lường, khiến hiệu suất đầu tư thực tế thấp hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra, xét về khía cạnh đầu cơ, vàng còn chịu sự hạn chế do sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá.
Theo đó, ông Lê Tuấn Anh cho biết, chỉ dành 2% danh mục đầu tư vào kênh vàng. Ông thừa nhận rằng có những giai đoạn giá vàng tăng mạnh, nhưng nếu nhìn dài hạn trong khoảng thời gian 10, 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm, kim loại quý này không mang lại hiệu suất vượt trội so với các kênh đầu tư khác.
Trước đó, Dragon Capital đã công bố dữ liệu thống kê giai đoạn 2001-2022, cho thấy vàng là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời kém thứ hai, chỉ đạt khoảng 9% mỗi năm, nhỉnh hơn ngoại tệ. Ngoài ra, giá vàng trong nước thường có sự chênh lệch lớn và diễn biến trái chiều so với thị trường thế giới tại nhiều thời điểm. Đáng chú ý, việc đầu tư vào vàng chỉ mang lại lợi nhuận từ chênh lệch giá bán và giá mua ban đầu (capital gain), mà không tạo ra nguồn thu nhập ổn định như các kênh đầu tư khác.
Bất động sản
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Marketing nền tảng Batdongsan, nhận định thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn đảo chiều từ đầu năm 2024 và đang tiến tới giai đoạn củng cố.
Các yếu tố hỗ trợ bao gồm: nguồn tiền cải thiện, chính sách pháp lý minh bạch nhờ ba bộ luật mới (Luật Đất đai, Nhà ở, và Kinh doanh bất động sản) và chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất tăng nhẹ. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý rằng giá bất động sản tại Hà Nội còn cao, tiến độ pháp lý và sức khỏe nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của thị trường.
Trong khi đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, trong ngắn hạn, nguồn cung bất động sản nhà ở năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng, khoảng 10% so với năm 2024. Loại hình căn hộ chung cư có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên sẽ tiếp tục “dẫn dắt” thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Cổ phiếu
Trái ngược với vàng, Dragon Capital đánh giá cao tiềm năng của cổ phiếu và bất động sản, xếp cả hai ở mức 3,5-4 điểm trên thang đo hiệu suất đầu tư.
Đối với cổ phiếu, quỹ này nhận định rằng các yếu tố vĩ mô toàn cầu và những căng thẳng từ chiến tranh thương mại có thể gây ra biến động ngắn hạn. Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ hiệu suất thị trường gắn liền với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong trung hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán được đánh giá tích cực, nhờ vào sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu đầu tư FIDT, dự báo VN-Index có thể đạt trên 1.300 điểm vào cuối năm 2025, với khoảng dao động từ 1.320 đến 1.540 điểm. Định giá thị trường hiện vẫn hấp dẫn với P/E chỉ khoảng 13 lần và P/B khoảng 1,7 lần. Lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng 16%, đặc biệt từ các ngành ngân hàng, công nghệ, và bất động sản. Ông Huy nhấn mạnh cơ hội lớn từ tiềm năng nâng hạng thị trường.
Trái phiếu
Thị trường trái phiếu, sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin từ năm 2022, đang dần phục hồi nhờ cải thiện khung pháp lý. Với Luật Chứng khoán sửa đổi, rủi ro sẽ được giảm thiểu và quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo hơn. Các doanh nghiệp dự kiến tăng phát hành trái phiếu mới với lãi suất cao, trong khi tình trạng chậm trả gốc và lãi có dấu hiệu giảm.
Đồng quan điểm, Dragon Capital xếp trái phiếu doanh nghiệp ở mức 3 trên thang điểm 5 về hiệu suất đầu tư. Theo quỹ này, trái phiếu doanh nghiệp mang lại lợi suất hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng cũng đi kèm với mức rủi ro cao hơn. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn trái phiếu, ưu tiên các sản phẩm có mức độ an toàn cao và đảm bảo thanh khoản tốt.
Từ những phân tích trên, chuyên gia, FIDT gợi ý rằng năm 2025 là thời điểm thích hợp để đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu. Bất động sản được xem là "vùng mua tốt," đặc biệt là các sản phẩm có nhu cầu dân sinh cao với giá trị nhỏ. Đối với cổ phiếu và trái phiếu, đây là lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng tài sản. Trong khi đó, với vàng, nhà đầu tư nên duy trì danh mục hiện tại, không cần mua thêm nhưng cũng chưa cần bán ra.