Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tìm giải pháp bảo vệ an toàn thông tin trong chuyển đổi số

Báo Tin tức 1 Tuần trước
Chú thích ảnh Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm nêu lên các tác hại lớn của mã độc và các nguy cơ gây mất an toàn đối với hệ thống thông tin và người dùng cuối trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; đề xuất giải pháp công nghệ, các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin trong chuyển đổi số.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về: Thực trạng bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu trên không gian mạng; Rủi ro lộ lọt tài khoản - nhận diện và phòng, chống; Thực trạng và xu hướng lừa đảo trực tuyến; Bảo vệ và phục hồi dữ liệu hạn chế thiệt hại trước các mối nguy cơ tấn công ransomeware…

Ông Nguyễn Trọng Anh, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phát hiện, xử lý 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nổi lên là hoạt động tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông gây ngưng trệ hoạt động quản lý điều hành, thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín...

Về tình hình mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã phát hiện 201.903 gói dữ liệu bị lộ, lọt trên mạng do mã độc tấn công với khoảng 12,3 triệu dòng thông tin, dữ liệu bị đánh cắp.

Để có được một hệ thống mạng an toàn, đáp ứng được các yêu cầu về an ninh mạng, an toàn thông tin, ông Nguyễn Trọng Anh khuyến nghị các đơn vị cần nghiên cứu triển khai đầy đủ các quy trình quản trị hệ thống thông tin, hệ thống mạng. Cụ thể gồm: Quy trình kiểm tra, đánh giá trang thiết bị trước khi đưa vào vận hành; quy trình quản trị hệ thống, quản lý người dùng; quy trình kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn thông tin, điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; quy trình giám sát và kiểm soát truy cập ra, vào; quy trình phản ứng, ứng cứu, xử lý sự cố; xây dựng và đào tạo nghiệp vụ cho người dùng và quản trị viên.

Theo ông Nguyễn Khương Hải, chuyên gia an toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, có rất nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay, trong đó có hình thức lợi dụng sự phát triển của công nghệ AI. Theo đó, kẻ xấu sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các video giả mạo hình ảnh và giọng nói của các nhân vật có uy tín. Các cuộc gọi giả danh sử dụng giọng nói của người thân hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng và bị lừa.

Để đảm bảo an toàn thông tin, các tổ chức, cá nhân cần sử dụng các trình duyệt web tin cậy và cập nhật phiên bản thường xuyên; không chia sẻ thông tin ngân hàng, mật khẩu qua các kênh mạng xã hội; ẩn các thông tin cá nhân trên trang chủ của các nền tảng mạng xã hội; tích cực tham gia các buổi đào tạo nhận thức, cập nhật xu hướng tấn công mới…

Chú thích ảnh Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Thời gian qua, Vĩnh Long đã tập trung nhiều giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Để chuyển đổi số thành công và bền vững, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng đóng vai trò then chốt, là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

Xem bản gốc