Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tin vui về 2 cao tốc hơn 36.000 tỷ đồng sắp khởi công: Minh bạch, tối ưu thời gian và chi phí nhờ công nghệ đột phá

Markettimes 2 Tuần trước

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), 2 cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đang tập trung hoàn thành thủ tục để có thể khởi công trong quý IV/2024 và dự kiến hoàn thành trong năm 2027.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 66 km, đi qua tỉnh Đồng Nai 11 km và tỉnh Lâm Đồng 55 km, với tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đóng góp 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, và vốn huy động 9.095 tỷ đồng.

Dự án do liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất, với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là đại diện chủ đầu tư.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài gần 74 km, hoàn toàn nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, có tổng vốn đầu tư 19.521 tỷ đồng. Vốn Nhà nước chiếm 7.761 tỷ đồng (giai đoạn I, trong đó vốn Trung ương là 2.500 tỷ đồng, vốn tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỷ đồng, và 3.661 tỷ đồng dự kiến huy động thông qua giao đất cùng mục đích sử dụng đất), vốn nhà đầu tư là 1.764 tỷ đồng và vốn huy động đạt 9.996 tỷ đồng.

Chủ đầu tư đề xuất dự án này là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang là đại diện liên danh, chủ đầu tư).

Về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc: Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức PPP, văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 423/TB -VPCN thông báo kết luận của Phó thủ tướng.

Đối với kiến nghị của các nhà đầu tư xin áp dụng mô hình BIM cho 2 đoạn tuyến cao tốc này, Phó thủ tướng nhấn mạnh rằng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng. Đây là mô hình quản lý tiên tiến nhất, quản lý chất lượng, công nghệ, số hóa quản lý thực tế tại hiện trường cần được áp dụng đối với các dự án đường theo đúng lộ trình.

BIM (Mô hình thông tin công trình - Building Information Modelling - BIM) là công nghệ đặc biệt giúp nâng cao chất lượng quản lý thông tin, thiết kế, xây dựng và quản lý toàn bộ chu trình của một công trình xây dựng, đặc biệt là đường cao tốc.

Theo PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), BIM giúp các dự án xây dựng trở nên minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí nhờ vào khả năng mô phỏng chính xác mọi khía cạnh của công trình, từ thiết kế đến kỹ thuật thi công. BIM với khả năng tạo ra các mô hình 3D chi tiết giúp các nhà quản lý dễ dàng phát hiện các lỗi kỹ thuật hoặc xung đột tiềm ẩn giữa các hệ thống kỹ thuật trong công trình.

Cùng với đó, công nghệ BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng (tiết kiệm chi phí dự án đến 12%, rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12 - 15% so với tiến độ được duyệt).

BIM đóng vai trò như nền tảng dữ liệu chung, tích hợp toàn bộ thông tin về thiết kế, kết cấu, cơ điện và hệ thống kỹ thuật vào một mô hình 3D duy nhất. Nhờ đó, các nhóm thiết kế của từng hạng mục phối hợp chặt chẽ, tăng tính đồng bộ và hiệu quả làm việc, giảm thiểu sai sót. Các tài liệu như biên bản nghiệm thu cũng được tích hợp, giúp việc theo dõi và thực hiện dự án dễ dàng hơn.

Xem bản gốc