UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định số 2148/QĐ-UBND về việc phê duyệt đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bản tỉnh đợt 2 năm 2024 với 6 khu vực mỏ. Đáng chú ý, đây đều là những khu vực mỏ chưa được thăm dò khoáng sản.
Theo đó, kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đợt 2 năm 2024 với 6 khu vực mỏ, trong đó 4 khu vực mỏ đất san lấp có tổng diện tích 45,48ha, gồm mỏ đất san lấp Thạch Xuân 1, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, diện tích 16ha; mỏ đất san lấp Hà Linh 1, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, diện tích 16ha; mỏ đất san lấp Phú Lộc 1, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, diện tích 3,48ha; mỏ đất san lấp Phú Lộc 4, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, diện tích 10ha.
2 khu vực mỏ đá xây dựng có tổng diện tích 33,33ha, gồm mỏ đá xây dựng khu vực khe Chợ, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, diện tích 15ha; mỏ đá xây dựng núi Nắp Trình, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, diện tích 18,33ha.
Yêu cầu công suất khai thác khi xây dựng hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản sau khi trúng đấu giá đối với đất san lấp là từ thời gian cấp phép khai thác tối đa đến năm 2030; đối với đá xây dựng, công suất khai thác tối thiểu 250.000 m3/mỏ/năm và thời gian cấp phép khai thác tối đa không quá 12 năm.
Mục đích của kế hoạch nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn cho ngân sách Nhà nước; đáp ứng nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, dự toán thăm dò khoáng sản và lập phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trình UBND tỉnh phê duyệt; xét chọn hồ sơ đề nghị tham gia phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, lập hồ sơ mời tham gia đấu quyền khai thác khoáng sản.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, việc đưa 6 khu vực khoáng sản đấu giá làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Khai thác giá trị nguồn lực
Tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh Khoáng sản Hà Tĩnh nằm rải rác ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, từ vùng ven biển đến vùng trung du miền núi, tập trung vào các nhóm: khoáng sản nhiên liệu bao gồm than đá chủ yếu tại huyện Hương Khê và than nâu Chợ Trúc (xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê).
Trên địa bàn Hà Tĩnh đã điều tra khảo sát 121 khu vực mỏ khoáng sản làm VLXDTT kể cả đất san lấp có tổng diện tích 6.193 ha, tài nguyên khoảng 1.522.095 ngàn m3, trong đó có 31 khu vực đá xây dựng, 23 khu vực sét gạch ngói, 31 khu vực cát xây dựng và 36 khu vực đất san lấp. Hầu hết các điểm mỏ nằm lộ thiên, dễ nhận biết chất lượng và nhiều điểm mỏ phân bố gần các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thuận tiện cho khai thác sử dụng.
Với việc thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, ngành TN&MT Hà Tĩnh đã từng bước đưa lĩnh vực này đi vào nền nếp, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm. Tỉnh xác định đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp khoáng sản của Hà Tĩnh tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thời gian qua, số lượng mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn khá hạn chế. Điều này ít nhiều khiến nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian qua, tại địa phương, nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều cá nhân, tổ chức đã tự ý lén lút khai thác các loại khoáng sản không rõ nguồn gốc, hoặc khai thác vượt ranh giới, phạm vi cho phép. Do đó, tỉnh sẽ kiên quyết siết chặt hoạt động này.
Do đó, việc tăng cường đấu giá khoáng sản tại Hà Tĩnh cũng được cung cấp bởi nhiều yếu tố, với mục tiêu chính là đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đây là một phương thức quản lý hiệu quả, hạn chế tình trạng tham lam, khai thác trái phép và tận dụng tài nguyên.
Tới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản; phối hợp với lực lượng liên quan, công an các huyện có mỏ khoáng sản đang trong quá trình vận hành khai thác để tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự, chất lượng môi trường và đời sống của người dân.