Tòa bác đơn phản tố, Bidiphar giải quyết được khoản nợ khó đòi dai dẳng 7 năm
Theo Quyết định phúc thẩm từ Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM, vụ kiện tụng kéo dài từ năm 2019 liên quan đến khoản nợ khó đòi của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Dược Bình Định hay Bidiphar, HOSE: DBD) với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kỹ thuật Đông Nam (Công ty Đông Nam) đã bước vào hồi kết.
Vụ kiện liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Bidiphar và Đông Nam từ năm 2017. Cụ thể, Bidiphar ký hợp đồng cung cấp cho Đông Nam 1 máy hệ thống gia tốc tuyến tính nhiều mức năng lượng, với trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng quy cách, nhãn mác, chất lượng, giá trị trọn gói hơn 69 tỷ đồng. Phía Đông Nam có trách nhiệm thanh toán tiền qua 4 lần theo hình thức chuyển khoản, lần 1 gồm 25% giá trị hợp đồng (khoảng 17.2 tỷ đồng, thực hiện ngay sau khi ký kết), còn lại được thực hiện theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, theo biên bản nghiệm thu, Bidiphar đã bàn giao hàng hóa theo đúng hợp đồng ký kết, nhưng Công ty Đông Nam không thanh toán tiền mua hàng còn thiếu dù đã nhận tiền từ chủ đầu tư. Do vậy, Bidiphar tiến hành khởi kiện, buộc Đông Nam thanh toán số tiền nợ còn lại (hơn 45 tỷ đồng) và lãi phạt hợp đồng (0.1%/ngày), sau được sửa thành lãi chậm thanh toán 6.3%/năm.
Số tiền nợ khó đòi từ Đông Nam được thể hiện trong BCTC soát xét bán niên 2024, số tiền gần 47 tỷ đồng
Phía Đông Nam phản tố, cho rằng Bidiphar không hoàn thành nhiều nghĩa vụ kể từ ngày lắp đặt thiết bị (25/09/2018) như bảo trì 3 tháng/lần, không cử nhân sự hướng dẫn sử dụng… Hệ thống chưa được chủ đầu tư nghiệm thu để đưa vào sử dụng, ảnh hưởng tiến độ thanh toán của chủ đầu tư cho Đông Nam. Vì thế, Đông Nam chưa đồng ý thanh toán số tiền còn lại vì tới tháng 5/2020, hệ thống chưa chạy thử và chưa nghiệm thu (vì chưa có hướng dẫn sử dụng), đồng thời không đồng ý yêu cầu tính lãi suất theo ý của Bidiphar. Ngoài ra, Doanh nghiệp yêu cầu Bidiphar phải thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết (bảo hành, bảo trì, cử người lắp đặt, chạy thử, hướng dẫn, cung cấp tài liệu…).
Sau khi xem xét, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TPHCM tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của Đông Nam, giữ nguyên bản án sơ thẩm, bao gồm:
Chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Bidiphar. Đông Nam có trách nhiệm trả lại số tiền gần 62.7 tỷ đồng (gồm hơn 45 tỷ đồng tiền gốc và hơn 17.5 tỷ đồng tiền lãi). Đông Nam và Bidiphar thực hiện giao và nhận tiền tại Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Chấp thuận một phần yêu cầu phản tố của Đông Nam về việc Bidiphar phải bù trừ nghĩa vụ thanh toán số tiền hơn 189 triệu đồng. Bidiphar có trách nhiệm trả lại cho Đông Nam số tiền này, thực hiện giao và nhận tiền tại Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền sau khi bản án có hiệu lực.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Đông Nam với Bidiphar theo đơn phản tố ngày 09/05/2022.
Ngoài ra, Đông Nam phải chịu gần 174 triệu đồng án phí. Sau khi cấn trừ tạm ứng, số tiền phải nộp thêm gần 145 triệu đồng. Bidiphar cũng phải chịu gần 9.5 triệu đồng án phí. Sau khi cấn trừ tạm ứng, Doanh nghiệp được nhận lại gần 99.4 triệu đồng.
Về chi phí tố tụng, Bidiphar có trách nhiệm trả cho Đông Nam 103 triệu đồng, là tiền tạm ứng chi phí giám định của Đông Nam. Hai bên thực hiện giao và nhận tiền tại Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Đông Nam phải chịu án phí phúc thẩm 2 triệu đồng, được cấn trừ vào tiền tạm ứng đã nộp.
Hải Âu
FILI
- 13:03 14/01/2025