Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tổng công ty VEAM: Lợi nhuận 2024 vượt 16% kế hoạch, dự kiến thoái vốn ở các đơn vị kém hiệu quả

Vneconomy 2 Tuần trước

Ngày 26/12 vừa qua VEAM đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Đánh giá về tình hình hoạt động năm qua, đại diện Tổng công ty cho biết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như xung đột quân sự, bất ổn chính trị gia tăng khiến tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, dịch vụ vận tải… biến động mạnh, rất khó dự báo về khả năng và thời điểm phục hồi; thiên tai, bão, lụt gây thiệt hại cho nền kinh tế cả nước, nhiều doanh nghiệp của VEAM bị ảnh hưởng. Tuy nhiên hoạt động của Tổng công ty vẫn có những tín hiệu tích cực.

Việc lợi nhuận chung giảm song vẫn vượt kế hoạch 2024 chủ yếu đến từ lợi nhuận của đơn vị 100% vốn DISOCO, bao gồm cả lợi nhuận sản xuất và lợi nhuận được chia từ FORD Việt Nam. Nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp khoảng 81% doanh thu sản xuất công nghiệp của VEAM.

Mảng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tính chung đã có dấu hiệu phục hồi, trong đó phụ tùng ô tô bắt đầu có đơn hàng trở lại trong nửa cuối năm 2024. Phụ tùng xe máy (chiếm tỷ trọng 83% toàn bộ doanh thu mảng phụ trợ) và phụ tùng máy động lực cũng đều tăng so với năm 2023, trong đó phụ tùng xe máy vượt 5% mục tiêu năm 2024. Sản phẩm ô tô VEAM mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực, tiêu thụ tăng 9% so với năm 2023 tuy nhiên chỉ đạt 22% kế hoạch.

Năm 2025, Tổng Công ty VEAM xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp là mục tiêu hàng đầu. Giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu bán hàng dự kiến tăng mạnh khi Công ty mẹ xác định các mục tiêu sản xuất - tiêu thụ, kinh doanh thương mại đều ở mức cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đặt mục tiêu 3.758,3 tỷ đồng, bằng 112% so với năm 2024. Doanh thu đặt mục tiêu 4.735,2 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2024, trong đó sản xuất công nghiệp đạt 4.242,1 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bà Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bà Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị năm 2025 VEAM cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ, giải quyết tồn tại, vướng mắc từ những năm trước, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, sai sót của VEAM từ những giai đoạn trước để lại...;

Hoàn thiện đề án tái cơ cấu Tổng Công ty VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý năm 2025 và những năm tiếp theo, với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm, VEAM cần nghiên cứu khả năng và năng lực sản xuất để tham gia vào các dự án, chuỗi cung ứng. Qua đó, từng bước đưa Tổng Công ty trở lại “cánh chim đầu đàn” trong sản xuất công nghiệp cơ khí.

Xem bản gốc