Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tổng Giám đốc Bidiphar: Thuốc dịch thận nhượng quyền từ Thụy Sĩ có lợi thế cạnh tranh rất tốt

Vietstock 1 Tháng trước

Tổng Giám đốc Bidiphar: Thuốc dịch thận nhượng quyền từ Thụy Sĩ có lợi thế cạnh tranh rất tốt

Chia sẻ với nhà đầu tư, bà Phạm Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) cho biết việc hợp tác cùng đối tác Thụy Sĩ là để cung cấp một loại thuốc mới hoàn toàn, giúp cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chạy thận.

Giữa tháng 7/2024, Bidiphar công bố đã ký kết với Crearene AG, công ty có trụ sở tại Frauenfeld, Thụy Sĩ, để phát triển các giải pháp điều trị bằng creatine cho bệnh nhân chạy thận.

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào sáng ngày 26/09, bà Hương đã có một số chia sẻ về câu chuyện này.

Hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư của Bidiphar ngày 26/09. Ảnh: Châu An

“Thuốc dịch thận của DBD là thuốc nhượng quyền patent (bằng sáng chế). Đây là nghiên cứu mới của khoa học Thuỵ Sĩ, chứng minh là khi thêm một chất (creatine) vào trong thuốc cho bệnh nhân suy thận nặng, đã giúp cải thiện rất nhiều về cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân, ít tác dụng phụ” – bà chia sẻ.

Theo bà Hương, đối tác Thụy Sĩ đã đưa thuốc qua thử nghiệm lâm sàng vào năm 2022 và được cấp bằng sáng chế, hiện đang đánh giá lâm sàng trên cộng đồng để xin lưu hành thuốc ở châu Âu. “Trong lúc đó, DBD chờ đợi để đồng thời triển khai, xin lưu hành thuốc ở Việt Nam. Họ cũng cho phép chúng tôi nói nên chúng tôi mới tiết lộ, chứ không thì không được phép. Tóm lại, DBD đang nhượng quyền patent thuốc đó để tạo ra thuốc mới tại Việt Nam, dựa trên thuốc cũ”.

Tổng Giám đốc Bidiphar chia sẻ, loại thuốc hợp tác với Thụy Sĩ là mặt hàng mới hoàn toàn. Tuy nhiên, để đưa ra thị trường còn cần đoạn đường tương đối dài.

“Hiện tại, thuốc dịch thận trên thị trường được bảo hiểm y tế thanh toán hết. Nghĩa là để đưa thuốc của DBD vào cần chặng đường tương đối dài, sau khi đưa vào, đánh giá lâm sàng tốt sẽ phối hợp với cơ sở điều trị để báo cáo với cơ quan quản lý. Bệnh nhân chạy thận đa phần cũng là bệnh nhân nghèo, nên nếu hiệu quả thì sau đó còn phải tính đến bài toán kinh tế - y tế, trình lên Bộ Y tế để có hướng hỗ trợ cho các bệnh nhân.

Về giá sản phẩm, DBD cũng phải chờ đối tác cung cấp đủ thông tin, vì nguồn nguyên liệu của họ được chỉ đích danh cho một đơn vị cung cấp chất bổ sung. Từ đây mới tính toán chi phí, ra được giá bán mới tính được doanh thu” – trích lời lãnh đạo Bidiphar.

Nói thêm về lợi thế cạnh tranh, bà Hương cho rằng loại thuốc mới sẽ có lợi thế vì DBD nhận độc quyền sản phẩm tốt cho bệnh nhân. “Với giá không quá lớn, sẽ được Nhà nước ủng hộ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân chạy thận. Năm 2024, dòng sản phẩm này đang có xu hướng khá tốt. Với việc tiếp nhận được patent mới từ đối tác Thụy Sĩ, sản phẩm mới được triển khai sẽ là hướng phát triển tốt cho Bidiphar trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, DBD còn thực hiện một phương pháp sản xuất thuốc theo bằng sáng chế khác, liên quan đến thuốc first generic – một trong những định hướng của DBD. Thực tế, thuốc trên thị trường sau khi nghiên cứu sẽ có bảo hộ patent trong một khoảng thời gian. Hết thời gian đó mới được nghiên cứu, và người nghiên cứu đầu tiên để ra thuốc tương tự là first-generic - tức người làm thuốc generic đầu tiên. Mảng này Bộ Y tế có định hướng chỉ đạo, khuyến khích doanh nghiệp Việt thực hiện để tạo ra thuốc với giá thành thấp hơn.

Châu An

FILI

Xem bản gốc