Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong tháng 7/2025 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, giá trị xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 667 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực duy trì đà tăng trưởng ấn tượng cả về sản lượng lẫn giá trị.
Trong đó, sản lượng thịt súc sản xuất khẩu đạt 100 tấn, tăng 84,3% so với cùng kỳ; ba lô du lịch 1,3 triệu chiếc (tăng 48,7%); dăm gỗ 112 nghìn m³ (tăng 28,6%); hàng may mặc 55,1 triệu sản phẩm (tăng 20,3%); giầy dép 44,1 triệu đôi (tăng 20,2%) và xi măng 164.786 tấn (tăng 17,8%).
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 51,5% kế hoạch năm. Kết quả này tiếp tục khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của khu vực xuất khẩu trong cơ cấu kinh tế địa phương.
DOANH NGHIỆP TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ CÁC FTA, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG QUA THƯƠNG MẠI SỐ
Hiện nay, Thanh Hóa có hơn 230 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với danh mục hàng hóa phong phú, từ nông sản, thủy sản, dệt may đến vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử. Để mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và RCEP.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2025, khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của nỗ lực đồng hành của chính quyền địa phương trong việc phổ biến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục xuất xứ hàng hóa và xây dựng năng lực cạnh tranh phù hợp với yêu cầu các thị trường tiêu chuẩn cao.
Song song với việc tận dụng FTA, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận đối tác, nắm bắt xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Trong năm 2024 và nửa đầu 2025, tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm lớn tại các trung tâm thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội thảo và phiên kết nối giao thương trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, Webex, Google Meet… đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng phạm vi tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng lan rộng.
Một điểm nhấn đáng chú ý là sự chuyển dịch mạnh mẽ sang thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thanh Hóa đang tận dụng các nền tảng như Amazon, Alibaba hay các chợ điện tử chuyên ngành để đưa hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng quốc tế, rút ngắn khâu trung gian và tăng hiệu quả xuất khẩu.
Nhờ đầu tư bài bản vào chiến lược marketing số, tối ưu kênh phân phối trực tuyến và sử dụng các dịch vụ logistics trọn gói, không ít doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể từ kênh online chỉ sau thời gian ngắn triển khai. Đây đang là một trong những hướng đi tiềm năng để khơi thông thị trường, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt nhưng hạn chế về mạng lưới tiêu thụ.
Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, địa phương xác định rõ vai trò then chốt của việc đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất. Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nâng cao năng lực quản trị, phân tích thị trường cũng được coi là nhiệm vụ ưu tiên.
Giữ vững thị trường và khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt là thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Thanh Hóa, nhiều đơn vị đang chủ động thay đổi tư duy quản trị, từng bước xây dựng mô hình sản xuất chuyên nghiệp, bài bản và bền vững. Công ty CP Mía đường Lam Sơn – hiện có mặt tại hơn 10 quốc gia, đang triển khai mô hình nông nghiệp carbon thấp, truy xuất nguồn gốc từ vùng trồng, nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế về phát triển bền vững và “xanh hóa” chuỗi cung ứng.
NHẬP KHẨU GIẢM MẠNH, THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA SÔI ĐỘNG
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 của Thanh Hóa ước đạt 704,8 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2024. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực ghi nhận mức sụt giảm rõ rệt như dầu thô đạt 848 nghìn tấn (bằng 74,5% cùng kỳ), máy móc thiết bị và phụ tùng 34,08 triệu USD (bằng 70,4%).
Tuy vậy, vẫn có một số nhóm hàng ghi nhận mức tăng như vải may mặc 46,4 triệu USD (tăng 17,3%), phụ liệu may mặc 6,4 triệu USD (tăng 17%), phụ liệu giầy dép 24,02 triệu USD (tăng 15,9%).
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu của Thanh Hóa đạt khoảng 5.674,8 triệu USD, bằng 89,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường nội địa trong tỉnh tháng 7 cũng trở nên sôi động hơn nhờ lượng khách du lịch tăng cao tại các khu, điểm du lịch địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 18.800 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2025, con số này đạt khoảng 123.900 tỷ đồng, tăng 11% và đạt 59,3% kế hoạch năm.