Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

TP.HCM đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ 2025

Vneconomy 1 Tháng trước

Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm nay, nguồn vốn doanh nghiệp dành chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ 2025 khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ cho lương thực, thực phẩm. Sở Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ chương trình bình ổn.

NHỘN NHỊP HÀNG HÓA ĐÓN TẾT

Ngoài thực hiện kết nối đồng bộ các chương trình lớn, ngành Công thương Thành phố đã thực hiện tham mưu về chương trình bình ổn thị trường cộng với các chương trình kích cầu tiêu dùng và các chương trình kết nối Thành phố với các tỉnh

Cụ thể, về nguồn cung, Sở Công thương có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2024; chuẩn bị cho Tết năm 2025, tăng 10 doanh nghiệp, nguồn vốn 23.000 tỷ đồng, trong đó, có 8.000 tỷ để phục vụ cho chuẩn bị lương thực, thực phẩm.

Sở Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ chương trình bình ổn. Chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường Tết 2025 diễn ra từ 10/12/2024 kéo dài đến 5/1/2025. Điểm đặc biệt của chương trình này là hàng hóa có giá thấp, khuyến mãi đến 60% dành cho người lao động.

Chương trình do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Công ty MVCPRO tổ chức, tại 7 quận, gồm Quận 4, Quận 10, Quận 11, Phú Nhuận, Quận 8, Quận 3 và Tân Bình. Tại mỗi quận, chương trình sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Theo đó, các ngành hàng phục vụ mùa Tết như bánh kẹo, nước giải khát, nước giặt, sữa tắm, dầu gội, trứng gà, yến sào, mì chay, bánh kẹo, nước uống dinh dưỡng, dầu nhớt xe máy, bếp ga… đều được bán giảm giá lên đến 60%, mua 1 tặng 1, mua là có quà… Sở Công Thương dự kiến chương trình sẽ tiếp cận khoảng 500.000 người, thu hút hơn 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng.

Theo các hộ kinh doanh, sức mua hàng vào dịp Tết Ất Tỵ 2025 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.

Thúc đẩy mua sắm dịp Tết, nhiều doanh nghiệp và kênh bán lẻ đã bắt đầu triển khai các chương trình ưu đãi. Đón Tết Ất Tỵ 2025 bằng chương trình "Đến Co.op chở Tết về", từ trung tuần tháng 12/2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chính thức trưng bày hơn 100 mẫu giỏ quà tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Những mẫu giỏ quà kết hợp duyên dáng giữa cổ truyền và hiện đại, với giá đa dạng, dao động từ 99.000đ đến gần 1.400.000đ nhằm phục vụ mọi nhu cầu.

Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Lotte Mart, TP.HCM. Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Lotte Mart, TP.HCM.

Nhằm tạo nhiều hứng khởi cho người tiêu dùng, Coca-Cola Việt Nam cũng đã triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt mang tên “Mở Thùng Tết - Săn Nắp Vàng”. Chương trình mang đến hàng trăm ngàn phần quà hấp dẫn, bao gồm 500 Nắp Én Vàng 24k cùng nhiều bao lì xì giá trị.

Đồng thời, lan tỏa tinh thần gắn kết trong mùa Tết, Coca-Cola tiếp tục phối hợp cùng Hội Chữ Thập Đỏ, trong năm thứ ba của chương trình “Chợ Tết 0 Đồng”. Với tổng giá trị hàng hóa lên đến 5 tỷ đồng, ước tính 6.500 hộ gia đình, người dân khó khăn tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Long An, và Thừa Thiên, Huế sẽ được tự mình mua sắm các nhu yếu phẩm.

Không chỉ vậy, nhân dịp Giáng Sinh và kỳ nghỉ lễ, Tết sắp tới, Tổng Lãnh sự quán Canada đã tổ chức sự kiện quảng bá thực phẩm và hàng tiêu dùng Canada tại siêu thị Lotte Mart Quận 7, TP.HCM và Lotte Mart Tây Hồ, Hà Nội diễn ra từ 13-15/12/2024. 

Đây là dịp để người tiêu dùng Việt Nam có thể thưởng thức các sản phẩm cao cấp đến từ Canada với mức giá ưu đãi. Đây là chương trình được phối hợp tổ chức tại Lotte Mart với sự tham gia của nhiều nhà phân phối hàng hải sản, nhân sâm, trái cây, các loại vitamin, thực phẩm dinh dưỡng và làm đẹp.

Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc chương trình, bà Annie Dubé, Tổng Lãnh sự Canada tại TP.HCM, cho biết tất cả các sản phẩm được giới thiệu trong chiến dịch này bao gồm tôm hùm, cá bơn, thịt bò, nhân sâm, đậu Hà Lan, xi-rô cây phong, các loại hạt lành mạnh và thực phẩm bổ sung đều được hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế quan theo CPTPP.

“Chúng tôi rất vui khi được hợp tác với một trong những nhà bán lẻ thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam như Lotte Mart. Cùng với các nhà nhập khẩu và phân phối sản phẩm Canada tại địa phương, từ đó tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng Việt Nam trong chiến dịch này”, bà Anne Dube nhấn mạnh.

MUA SẮM QUA CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee... cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho mùa kinh doanh Tết. Các hệ thống các chuỗi siêu thị, cửa hàng đã chuẩn bị các phương thức bán hàng thông qua website, mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử; liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày... để thu hút khách.

Đáng chú ý, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Finelife...) còn tổ chức livestream bán hàng, sản xuất các video ngắn trên các nền tảng số và dành nhiều ưu tiên cho khách hàng gen Y, gen Z trên những nền tảng này. 

Chia sẻ tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 12/12, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP.HCM đã dần trở thành đầu tàu ở lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Năm 2024, thương mại điện tử của Thành phố đã tăng trưởng 52%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%, đồng thời đóng góp 33% trong tổng doanh thu thương mại điện tử toàn quốc.

Theo số liệu được cập nhật đến ngày 10/12, lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP.HCM sở hữu đã thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương cũng có tỷ lệ nhiều nhất cả nước.

Trong đó, có 24.829 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47% cả nước), 355 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 48% cả nước), 305 ứng dụng thương mại điện tử bán hàng (chiếm 45% cả nước) và 165 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43% cả nước).

Theo ông Hùng, sự bùng nổ, duy trì và phát triển của các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki... cùng sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử và marketing số đã tạo nên hệ sinh thái thương mại điện tử sôi động bậc nhất cả nước.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ tại TP.HCM cũng thuộc loại tiên tiến, với tổng số thuê bao Internet dẫn đầu cả nước, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mạng lưới viễn thông phát triển mạnh mẽ.

Sở Công Thương Thành phố nhận định tất cả các yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận thương mại điện tử và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Xem bản gốc