Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

TP HCM gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì

Khoa học và đời sống 12 Giờ trước

Tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh ở TP HCM hiện nay lên tới 37%, ở mức báo động, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước ghi nhận hồi năm 2020 (26,8%). Đây là thông tin vừa được Sở Y tế TPHCM công bố chiều 9/7 tại hội nghị "Sơ kết hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân 6 tháng đầu năm 2025".

Theo đó, tính từ tháng 10/2024 tới nay, Sở Y tế TPHCM đã nhập dữ liệu thành công hơn 1,21 triệu học sinh các cấp, từ mầm non tới THPT, chiếm khoảng 72% so với tổng số học sinh trên địa bàn.

Dữ liệu cho thấy, có hơn 37% học sinh thừa cân, béo phì (hơn 20,69% thừa cân; 17% béo phì).

111.jpg Nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống ít vận động/Ảnh minh họa-Danviet

Nhờ việc chuyển đổi số dữ liệu khám sức khỏe học sinh từ năm 2024, ngành y tế đã nhận diện được mô hình bệnh tật học, làm cơ sở quan trọng để triển khai các can thiệp y tế học đường. Dữ liệu này còn giúp theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của mỗi học sinh từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông, tích hợp liên thông vào hồ sơ sức khỏe ngay khi ngành y tế triển khai.

Kết quả ban đầu cho thấy tình trạng thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng ở mọi lứa tuổi. Các thống kê trước đó ghi nhận tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi của TP HCM năm 2017 là 11,1%, tăng lên 13,6% năm 2022 và hiện ở mức 19,02%, cao hơn trung bình toàn quốc. Ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ trẻ béo phì của TP HCM cũng tăng nhanh.

Theo chuyên gia, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam gia tăng. Cụ thể, ở nhóm trẻ từ 5 tới 19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% hồi năm 2010 lên tới 19% vào năm 2020.

Riêng khu vực thành thị ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì được ghi nhận 26,8% vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 18,3%, khu vực miền núi là 6,9%.

Chuyên gia UNICEF Việt Nam còn so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ghi nhận vào năm 2020, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trung bình vào khoảng 17,3%.

Nếu so sánh riêng với các nước trong khu vực nhưng có mức thu nhập thấp và trung bình thì tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì của Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, tỷ lệ này là 13,4% tại Campuchia; 16,6% tại Lào; 14,1% tại Myanmar; 14,5% tại Philippines; 18,0% tại Indonesia. Dữ liệu này được ghi nhận vào năm 2020.

Để phòng tránh thừa cân, béo phì trẻ nhỏ cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

Chuyên gia cảnh báo, nếu không can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em từ 5 tới 19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

So với các dữ liệu được chuyên gia UNICEF Việt Nam đưa ra, tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh ở TPHCM hiện nay (37%) ở mức báo động, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước ghi nhận hồi năm 2020 (26,8%).

Còn nếu so sánh với tỷ lệ thừa cân béo phì trung bình của trẻ ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ghi nhận hồi năm 2020 là 17,3%, thì tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh ở TPHCM ở mức "báo động đỏ".

TP HCM đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi đạt mức nhỏ hơn 14%, trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 40% và người trưởng thành ở mức dưới 35% vào năm 2030.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, bao gồm các biến chứng về cơ xương, tiểu đường type 2, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và có mối liên quan đến 13 loại ung thư. Chi phí xã hội sẽ cao hơn do tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân. Thế giới dự kiến phải chi trả 4 nghìn tỷ USD hàng năm kể từ 2035 để giải quyết các hệ lụy gây ra từ béo phì, tương đương 3% GDP toàn cầu.

Xem bản gốc