Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đảm bảo quỹ đất ở, nhà ở tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Trong đó, đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện lên kế hoạch rà soát quỹ đất sử dụng lãng phí, khu đất trống, quỹ đất công, các khu cho thuê không đúng mục đích để làm nhà tái định cư.
NHU CẦU NHÀ Ở TÁI ĐỊNH CƯ RẤT LỚN
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thiếu quỹ đất ở, nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ dân, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án. Kế hoạch tới năm 2030, TP.HCM sẽ di dời 6.500 căn nhà trên, ven kênh rạch. Tuy nhiên, hết quý 2/2024 thành phố mới di dời được 983 căn, đạt 15% chỉ tiêu đề ra.
Hiện nay, TP.HCM đang triển khai một số dự án trọng điểm, cấp bách cần phê duyệt ngay phương án bồi thường, tái định cư để giải ngân, như: dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi...
Do đó, nhu cầu về nhà ở tái định cư rất lớn. Cụ thể, tại dự án nạo vét, cải tạo bờ Bắc Kênh Đôi (quận 8) cần 680 căn. Dự án rạch Xuyên Tâm phải bố trí tái định cư cho người dân ở 16 khu đất, nhà ở rải rác ở các quận Bình Thạnh, quận 10, quận 12, TP. Thủ Đức. Hay dự án cải tạo rạch Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên cũng gặp khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho gần 4.000 hộ dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khó khăn lớn nhất khiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án chậm trễ do nhiều địa phương thiếu chủ động trong chuẩn bị quỹ đất ở để bố trí tái định cư. Hệ quả là, khi giải phóng mặt bằng làm dự án, địa phương không có quỹ đất cho tái định cư tại chỗ, buộc bố trí nhà ở cho người dân tại khu vực khác.
Việc thiếu đất tái định cư, chậm trễ trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân với chính quyền, chủ đầu tư dự án. Nhiều trường hợp người dân không đồng ý di dời, cản trở thi công dự án, gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, việc bố trí tái định cư còn chưa phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng người dân, không đúng nguyên tắc và gây khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ.
Sở Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị Thành phố giao Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, cùng với Sở Tài Nguyên và Môi Trường, các đơn vị liên quan đưa ra trình tự, thủ tục lập và thực hiện dự án tái định cư. Các cơ quan quản lý có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện cho thành phố.
HƠN 11.000 NHÀ, ĐẤT BỎ HOANG
Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP.HCM lên kế hoạch thực hiện di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch.
Lũy kế đến nay, trong tổng số 48.143 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch, TP.HCM đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được 1.149 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn. Vẫn còn 46.452 căn nhà chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Dự kiến, thành phố có 8.157 căn nhà ở xã hội phục vụ tái định cư khi di dời 46.452 căn nhà nói trên.
Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng UBND TP.HCM cần có đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch. Đồng thời, giao các địa phương điều tra xã hội học, thống kê các số liệu liên quan và góp ý thực hiện.
Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy thành phố hiện có 11.042 căn hộ và nền đất đang bỏ trống (8.938 căn hộ và 2.104 nền đất).
Đơn cử như Khu tái định cư Bình Khánh thuộc quận 2 (cũ), nay là TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM, nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm có tới gần 4.000 căn hộ được xây dựng hoàn thành từ năm 2015 đang bỏ hoang trên diện tích đất 38,4 ha.
Tại huyện Bình Chánh cũng đang có khu tái định cư Vĩnh Lộc B với hơn 529 nền đất, 45 block chung cư gồm 1.939 căn hộ được xây dựng đồng bộ cùng nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học… nhưng nằm phơi mưa nắng từ năm 2011 đến nay.
Lúc đó, UBND TP.HCM đưa 03 hướng giải quyết đối với số lượng nhà, đất này.
Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất.
Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất.
Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời người dân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết theo quy định.
Theo cơ quan chức năng, việc quản lý, sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả. Nhiều khu đất công bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích, đất xen cài trong khu dân cư chưa được khai thác hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Việc thiếu vắng các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.