Trong bối cảnh địa giới hành chính TP HCM vừa được mở rộng sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành Y tế thành phố đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để củng cố hệ thống dịch vụ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho hơn 14 triệu người dân.
Một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu được Sở Y tế TP HCM xác định là củng cố, vận hành hiệu quả và giới thiệu rộng rãi các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế.

Hiện nay, Sở Y tế đang vận hành nhiều đầu mối tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp từ người dân. Trong đó, đường dây nóng 096.777.1010 là kênh tiếp nhận các phản ánh về chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng như các bất cập phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Các phản ánh từ người dân sẽ được Sở Y tế ghi nhận, tổng hợp, xác minh và chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, đường dây nóng 0989.401.155 chuyên tiếp nhận các phản ánh liên quan đến hành vi “vẽ bệnh”, “moi tiền”, tư vấn sai chuyên môn hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Kênh phản ánh này do Phòng Kiểm tra – Pháp chế Sở Y tế tiếp nhận và xử lý, đảm bảo giữ bí mật thông tin người phản ánh và công khai kết quả xử lý vi phạm, góp phần minh bạch hóa hoạt động khám chữa bệnh và tăng cường niềm tin của người dân.
Trong lĩnh vực hành chính công, tổng đài 1900.638.563 là đầu mối hỗ trợ người dân tra cứu, hướng dẫn và giải đáp thủ tục hành chính như cấp phép hành nghề, đăng ký cơ sở y tế tư nhân, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Tổng đài được chia thành nhiều nhánh chuyên môn, giúp kết nối nhanh đến đúng bộ phận phụ trách.
Đối với phản ánh tổng hợp, người dân có thể sử dụng Cổng thông tin 1022 hoặc ứng dụng di động “1022 TP HCM” để gửi kiến nghị, góp ý trong lĩnh vực y tế. Các thông tin được tiếp nhận, xử lý theo quy trình của chính quyền thành phố nhằm đảm bảo sự tương tác hai chiều giữa người dân và cơ quan quản lý.
Ngoài ra, ứng dụng “Y tế trực tuyến” đang được nâng cấp để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp, trong bối cảnh không còn phòng y tế cấp quận, huyện như trước.
Việc nâng cấp nhằm đảm bảo tính liên thông trong tiếp nhận và xử lý phản ánh, đặc biệt là với người dân tại các địa bàn thuộc tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ.
Đáng chú ý, Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu TP HCM nâng cấp tổng đài 115, tăng cường khả năng tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp từ người dân ở các khu vực mới sáp nhập. Đây là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cấp cứu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp một cách kịp thời, hiệu quả.
Theo Sở Y tế TP HCM, việc người dân chủ động phản ánh các bất cập, góp ý cho ngành y tế là yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng khi tiếp cận dịch vụ y tế. Mỗi phản ánh đầy đủ và chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ xây dựng hệ thống Dashboard tổng hợp và phân loại phản ánh của người dân bằng cách kết nối đồng bộ các đầu số đường dây nóng và các ứng dụng trực tuyến.
Hệ thống này sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho Tổ công tác đặc biệt, giúp ghi nhận, phân tích, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát và giải quyết phản ánh một cách kịp thời, hiệu quả.
Với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, TP HCM đang hướng đến xây dựng một hệ thống y tế công khai, minh bạch, hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân cư ngày càng đông và đa dạng trên địa bàn siêu đô thị mới.