ASEAN Cup, tiền thân AFF Cup, là giải đấu có thể thức lạ lùng, hiếm có khó tìm trên thế giới. Điều này cũng gây nên những tranh cãi.
Mới đây, HLV Shin Tae Yong của Indonesia đề xuất nên thay đổi thể thức thi đấu. Ông nói: "AFF Cup nên cân nhắc thay đổi thể thức. Các trận vòng bảng đá 1 quốc gia, bán kết và chung kết có thể đá lượt đi và về như hiện tại. Như thế, chất lượng chuyên môn tăng lên, kỹ năng cầu thủ tốt hơn, nâng tầm AFF Cup. Thể thức hiện tại hành trình di chuyển rất khó khăn với tất cả các đội”.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc ca thán: “Indonesia có lịch trình và lịch thi đấu dày đặc. Trận đầu tiên chúng tôi đá với Myanmar sân khách, rồi trở về quê nhà đá Lào, rồi sang Việt Nam đá trận thứ 3. Đó là lịch thi đấu khó khăn với chúng tôi”.
Để đến Việt Trì (Phú Thọ), Indonesia phải di chuyển đến 3 chặng, từ Solo về Jarkata, sang Hà Nội rồi ngược lên Phú Thọ. Họ mất hơn nửa ngày để di chuyển trong khi thời gian chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo chỉ 3 ngày.
Hầu hết các quốc gia khác đều chọn địa điểm ở Thủ đô hoặc gần Thủ đô thì Indonesia lại chọn sân nhà ở cách Jarkata nên đi lại khá bất tiện.
Trước vấn đề này, HLV Kim Sang Sik nói: “Indonesia thi đấu với Lào ngày 12/12, nhanh chóng di chuyển sang Việt Nam nên các cầu thủ mệt mỏi, lo ngại vấn đề chấn thương. Tuy nhiên, giải đấu này, các đội thi đấu môi trường như nhau, lịch thi đấu sẽ ảnh hưởng tất cả các đội. Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng di chuyển sang Philippines vào ngày mai để thi đấu ngày 18/12. Kế hoạch của tôi là xoay tua đội hình để có thể đạt kết quả tốt nhất”.
ASEAN Cup ra đời vào năm 1996 với tên gọi Tiger Cup. Lúc này, giải thi đấu tại một địa điểm tập trung. Đến năm 2004, AFF Cup đá vòng bảng ở một địa điểm, với một bảng một quốc gia đăng cai. Bán kết và chung kết đá theo thể thức lượt đi về sân nhà – sân khách.
Năm 2018, giải đấu thi đấu với thể thức hiện hành; tức là ở vòng bảng mỗi đội đá 2 trận sân nhà, 2 trận sân khách với mật độ thi đấu 3 ngày/trận. Chỉ có năm 2021 đá tại Singapore theo hình thức bong bóng giữa cơn bão dịch COVID-19.