Trong vòng 3 năm, nhóm công ty chứng khoán “mới” đã mở rộng dư nợ gấp hơn 10 lần
Ngành chứng khoán đang tiếp tục chứng kiến nhiều công ty trong nước được ''thay da đổi thịt'' trong một vài năm trở lại đây. Với dòng vốn nội từ những ông chủ mới, các công ty chứng khoán này đang góp phần khiến cho cuộc đua trong ngành trở nên nóng hơn.
Nhiều cái tên mới xuất hiện đã nhanh chóng ghi dấu ấn
Giai đoạn cuối năm 2024 của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến nhiều phiên giao dịch ảm đạm. Tuy nhiên những kỳ vọng về nâng hạng thị trường vẫn còn rất lớn thể hiện qua phiên bùng nổ của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong phiên 05/12.
Sức nóng của cuộc đua trong nhóm ngành chứng khoán cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng loạt các doanh nghiệp đang ráo riết triển khai các đợt tăng vốn. Sau trào lưu dòng vốn Hàn Quốc và Đài Loan đổ vào, việc xuất hiện nhiều thương hiệu mới trong nước như DNSE, DSC, Kafi, LPBS, VPBankS cũng đang làm gia tăng sự cạnh tranh của ngành.
Với vị thế của người đi sau, chiến lược kinh doanh của các công ty này tập trung vào hệ thống công nghệ hiện đại, thu hút khách hàng bằng Zero-fee hoặc tuyển dụng các chuyên gia môi giới có kinh nhiệm bằng chính sách hoa hồng cao.
Nguồn thu chính sẽ nằm ở cho vay margin và tự doanh trong đó mảng cho vay đã được các Công ty đẩy mạnh quyết liệt.
Theo thống kê, các công ty chứng khoán kể trên đã đạt tổng dư nợ cho vay hơn 21,000 tỷ đồng vào cuối quý 3/2024, tương đương gần 1/10 dư nợ toàn thị trường.
Đáng chú ý hơn, quy mô cho vay hiện tại đã gấp hơn 10 lần so với cuối năm 2021 – giai đoạn thị trường đang có nhịp rướn lên đỉnh thời đại.
Đứng đầu trong danh sách, CTCP Chứng khoán VPBankS đã gần như đi từ con số 0 và vươn lên mức dư nợ cho vay gần 7,700 tỷ đồng trong vòng chưa đến 3 năm.
Còn Chứng khoán LPBS chỉ mất 2 quý để đưa dư nợ lên trên 3,000 tỷ đồng. Trong khi đó, các công ty như DNSE (4,102 tỷ đồng), DSC (1,830 tỷ đồng), Kafi (4,679 tỷ đồng) lại vươn mình qua từng quý để mở rộng quy mô cho vay lên hàng nghìn tỷ đồng.
Dù có những lo ngại của giới đầu tư về rủi ro của hoạt động cho vay theo deal tới ngành chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 3/2024 của những gương mặt mới đều tích cực trong đó VPBankS còn đứng trong Top 5 các CTCK có lợi nhuận cao nhất thị trường (272 tỷ đồng).
Ngành chứng khoán vẫn có thể chật hơn
Dòng vốn mới từ các ông chủ mới đều chỉ xuất hiện trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, Chứng khoán DNSE về với Encapital năm 2020 còn DSC được TC Group tiếp quản năm 2021. Trong khi đó, chứng khoán VPBankS được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại vào năm 2021 và Kafi được Uniben mua lại trong năm 2022.
Gần nhất, Chứng khoán LPBS cũng chỉ thực sự chuyển mình với đợt tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên gần 4,000 tỷ đồng vào giữa năm 2024.
Với việc UBCK đã tạm dừng cấp giấy phép thành lập mới cho các CTCK từ năm 2008, số lượng các công ty trong ngành sẽ khó thể gia tăng thêm. Tuy nhiên, ở nhiều công ty chứng khoán có quy mô nhỏ và hoạt động kém hiệu quả, giấy phép hoạt động là tài sản quan trọng thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư và tổ chức có tiềm lực tài chính.
Ngay trong năm 2024, Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) đã được đổi chủ và chính thức công bố việc đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán UP (UP Securities - UPS) vào tháng 9/2024
Còn Chứng khoán Việt Tín (VTSS) đã được TIN Global Pte. Ltd. (Singapore) thâu tóm 49% cổ phần và có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM.
Trong khi đó, Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) đã được Công ty Inter-Pacific Securities Sdn Bhd (Malaysia) thoái vốn.
Hay như CTCP Chứng khoán APG đang trong quá trình chuyển giao cổ phần từ nhóm cổ đông cũ sang các nhà đầu tư mới. Công ty vừa mới có động thái đóng cửa chi nhánh và phòng giao dịch trong những ngày cuối năm 2024 để thực hiện tái cấu trúc.
Do đó, ngành chứng khoán sẽ còn chứng kiến thêm nhiều công ty được sang tên, đổi chủ và bơm vốn trong thời gian tới. Cuộc đua của các công ty chứng khoán đã nóng vẫn có thể sẽ còn nóng hơn.
Quân Mai
FILI