Toàn bộ diễn biến giao dịch hôm nay tụ lại ở 30 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục khi một số cổ phiếu lớn dẫn dắt đột ngột quay đầu. Sức ép từ nhóm này rất nặng khiến VN-Index đang từ đỉnh tăng 17,4 điểm (+1,43%) bổ nhào xuống sát tham chiếu và chốt phiên tăng 1,87 điểm (+0,15%).
VIC là nguồn cơn của biến động này. VIC sau phiên tăng bùng nổ 4,6% hôm qua, sáng nay chỉ nhích nhẹ thêm chút ít trong thời gian rất ngắn. Chốt phiên sáng VIC đã giảm 4,23% tưởng như đã là xấu. Tuy nhiên trong khoảng 15 phút cuối, VIC còn bị ép xuống giá sàn và đóng cửa vẫn không thay đổi. VHM cũng rất yếu nhưng thực ra chiều nay lại cầm cự khá tốt. Chốt phiên sáng giảm 3,7% và khoảng 5 phút cuối đợt liên tục rơi tới 6,16% nhưng đóng cửa chỉ còn -3,17%.
Diễn biến bất lợi của hai cổ phiếu trụ dẫn dắt này trong phần lớn thời gian của phiên được cân bằng nhờ nhiều blue-chips khác tăng. Dù VIC lẫn VHM giảm mạnh suốt cả ngày nhưng VN-Index thậm chí còn tăng đạt đỉnh khoảng giữa phiên chiều. Chỉ đến khi các trụ khác cùng suy yếu theo, VN-Index mới có một nhịp bổ nhào nhanh như vậy.
Tất cả các cổ phiếu trong Top 10 vốn hóa đều suy yếu đáng kể, không chỉ có VIC hay VHM. VCB khoảng 2h còn tăng 2,41% và đi ngang ổn định những phút cuối đợt liên tục. Bất ngờ ATC xuất hiện lực bán lớn ép hẳn về tham chiếu. BID, cổ phiếu lớn thứ 3 thị trường sau VCB và VIC cũng bị đánh tụt khoảng 0,83% so với giá đỉnh, đóng cửa tăng nhẹ 0,28%. CTG trả lại 1,58% so với giá đỉnh, chốt tăng nhẹ 0,54%. TCB giống VCB, vài phút cuối bay sạch mức tăng 1,89% để rơi về tham chiếu. FPT, trụ còn mạnh nhất khi tăng 2,01% lúc đóng cửa thực chất cũng đã bốc hơi xấp xỉ 3% so với giá cao nhất…
VN30-Index đóng cửa còn tăng 0,25% với 20 mã tăng/6 mã giảm nhưng so với đỉnh tăng 1,48% thì là một kết quả tồi. Thống kê có tới 24 cổ phiếu tụt giá so với mức chốt buổi sáng và toàn bộ 30 mã chỉ còn SHB duy trì được mức cao nhất. Thậm chí tới 25 mã tụt ít nhất 1% so với giá đỉnh. SHB phiên này rất ổn định, mức tăng kịch trần có từ rất sớm và duy trì trong thời gian dài với hàng triệu đơn vị chặn mua. Đáng tiếc là SHB vốn hóa quá hạn chế, chỉ đem về 0,85 điểm cho VN-Index trong khi riêng VIC đã thổi bay 4,6 điểm.

Thực ra nếu không tính đến biến động của nhóm trụ, thị trường hôm nay cũng khá tích cực. Đầu tiên là độ rộng còn rất tốt với 321 mã tăng/136 mã giảm. Tại thời điểm VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 2h, độ rộng ghi nhận 373 mã tăng/101 mã giảm. Như vậy nhịp bổ nhào của chỉ số không kéo theo đợt giảm giá đáng kể nào ở cổ phiếu, có chăng là sức ép làm thu hẹp biên độ tăng.
Thống kê ở sàn HoSE tới 56,6% số cổ phiếu đã lùi giá tối thiểu 1% trở lên so với mức cao nhất ngày. Với số lượng lớn như vậy mà sắc xanh vẫn áp đảo là một tín hiệu tốt. Mặt khác trong 321 mã xanh vẫn còn 153 mã tăng trên 1%, bao gồm gần 100 mã tăng trên 2%. Rõ ràng là cổ phiếu vẫn còn mạnh mẽ, chỉ có VN-Index và VN30-Index là tệ. Midcap đóng cửa tăng 1,52%, Smallcap tăng 1,13% cũng thể hiện rõ ràng.
Ngay trong rổ VN30 cũng vẫn còn 9 mã rất mạnh, tăng hơn 1%. Ngân hàng có TCB, VCB bị ép mạnh rõ rệt nhưng SHB lại kịch trần, VPB tăng 2,42%, VIB tăng 1,67%, MBB tăng 1,09%. Cổ phiếu chứng khoán nổi bật có VIX tăng 1,2% thanh khoản tới 1.164 tỷ đồng; VND tăng 1,62%, SSI tăng 1,08%. Bất động sản có KBC, DXG, NVL thanh khoản rất tốt giá tăng mạnh. Ngoài ra DBC, GEX, GMD, HAH, DGC, BAF, GEE, NKG cũng giao dịch rất sôi động.
Ở phía giảm ngoài VIC và VHM cũng chỉ có số ít cổ phiếu đáng chú ý. VCI bất ngờ lao dốc 1,46% ở đợt ATC dù trước đó còn tăng ấn tượng. MWG, VCG, HVN, BSI, HDC, BMP, VPI là những cổ phiếu khác giảm quá 1% với thanh khoản cả trăm tỷ đồng mỗi mã. Dù vậy phần còn lại đại đa số là giảm với biên độ nhẹ hoặc thanh khoản rất nhỏ.
Diễn biến ép trụ đã tác động đáng kể đến VN-Index nhưng tạm thời chưa gây xáo trộn lớn ở cổ phiếu. Điều đó cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn và tạo lực đỡ riêng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay đạt 22.35 tỷ đồng, tăng gần 35% so với hôm qua và lên mức cao nhất 3 phiên.