Trung An trong vòng xoáy khó khăn, khai tử 2 công ty con
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR) quyết định giải thể 2 công ty con khi đang ngụp lặn trong khó khăn.
Trung An là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam. Ảnh minh họa
Trung An sẽ giải thể Công ty TNHH MTV Xuất khẩu gạo Trung An và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Bất động sản Trung An để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức. Đây là 2 công ty con 100% vốn của Trung An, đều được thành lập ngày 20/05/2022, có trụ sở tại TP Cần Thơ. Vốn điều lệ của XK gạo Trung An là 20 tỷ đồng, còn BĐS Trung An là 10 tỷ đồng.
Hiện, ông Lê Trung Chí (sinh năm 1985) là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của XK gạo Trung An, còn ông Phạm Trần Thanh Tân (sinh năm 1991) là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của BĐS Trung An. Ông Tân chính là Người phụ trách quản trị công ty mẹ Trung An.
Sau khi giải thể 2 công ty con nói trên, Trung An còn duy nhất công ty con là CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang - doanh nghiệp chuyên bán buôn gạo tại Kiên Giang, được thành lập năm 2016. Vốn điều lệ ban đầu là 42 tỷ đồng do Trung An góp 49%, sau 2 đợt tăng vốn, vốn điều lệ tăng lên 303 tỷ đồng, trong đó Trung An sở hữu hơn 67% vốn.
Ngoài ra, Trung An còn sở hữu 2 công ty liên kết là Công ty TNHH Novotech - Trung Hưng và Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Kinh doanh Xuất khẩu gạo Việt Đức.
BCTC quý 3/2024 của Trung An cho thấy khoản đầu tư gốc ghi nhận vào 2 công ty liên kết lần lượt hơn 10 tỷ đồng, tương ứng 40% vốn Novotech - Trung Hưng và 4.7 tỷ đồng, tương ứng 39% vốn gạo Việt Đức.
Trung An hiện đang sa lầy trong khủng hoảng tài chính. Quý 3/2024, Công ty lỗ ròng thêm 22.5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ 9 tháng lên hơn 31 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí sản xuất và chi phí lãi vay đều cao hơn cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh Trung An lao dốc từ năm 2023, với khoản lỗ ròng gần 16 tỷ đồng, do biên lãi gộp giảm mạnh trong khi chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ.
Lợi nhuận ròng hàng năm của TAR | ||
Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn tại ngày 30/09/2024 tăng 63% so với đầu năm lên 1,756 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tài sản. Hàng tồn kho chỉ 338 tỷ đồng, bằng 1/3 đầu năm.
Trung An tiếp tục tăng vay nợ tài chính cuối kỳ lên 1,677 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, trong đó vay nhiều nhất BIDV - CN ĐBSCL 600 tỷ đồng, kế đến vay First Commercial Bank TPHCM gần 424 tỷ đồng, vay Sacombank - CN Cần Thơ hơn 297 tỷ đồng, vay Malayan Bangking Berhad - CN HCM và Hà Nội hơn 216 tỷ đồng…
Tại buổi hội thảo tổ chức ngày 18/11 tại TP Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Trung An trải lòng rằng trong chuỗi lúa, gạo, doanh nghiệp bắt buộc phải vay vốn dài hạn (từ 7-10 năm) để đầu tư. Không đầu tư thì không hoạt động, sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được.
Do đó, mong muốn của Doanh nghiệp là được tạo điều kiện vay vốn dài hạn từ ngân hàng. "Nếu không được vay vốn dài hạn thì hầu hết doanh nghiệp ngành gạo không thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, các ngân hàng đang cho doanh nghiệp gạo vay vốn ngắn hạn để thực hiện các hợp đồng mua bán và xuất khẩu gạo từ nhiều năm nay, nhưng ở dạng cho vay phần ngọn, chưa đầy đủ.
Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc kinh doanh lúa gạo của doanh nghiệp luôn bấp bênh, doanh nghiệp cạnh tranh nhau hạ giá gạo xuống thấp để bán lấy tiền đáo hạn ngân hàng khi đến hạn.
Giá cổ phiếu về đáy
Trong cơn khủng hoảng, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến với BCTC năm 2023 của Trung An, vì không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến chủ sở hữu 15 triệu cp TAR trong đợt phát hành riêng lẻ năm 2021, và thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 được kiểm toán với giá trị 1,256 tỷ đồng.
Đó cũng là lý do khiến cổ phiếu TAR bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 21/05 và giao dịch trở lại UPCoM ở diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần) từ ngày 31/05/2024.
Thời hoàng kim 2021-2022, giá cổ phiếu TAR có lúc vượt 40,000 đồng/cp. Tuy nhiên, thị giá TAR liên tục "đổ đèo" từ đầu tháng 9/2023 đến nay, hiện chỉ còn 4,600 đồng/cp, giảm 45% từ đầu năm 2024.
Thế Mạnh
FILI