Ngày 14/01/2025 tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức mở cửa Phòng trưng bày giúp người dân phân biệt hàng thật - hàng giả. Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan tự do từ ngày 14/01 đến hết ngày 18/01/2025.
Phòng trưng bày được tổ chức vào dịp người dân cả nước chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc, nhu cầu mua sắm tăng cao, xuất hiện tình trạng trà trộn các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Đây là lần thứ 15 Phòng trưng bày của Tổng cục mở cửa đón khách tham quan miễn phí. Đặc biệt khách đến tham quan được cán bộ quản lý thị trường trực tiếp hướng dẫn cách thức nhận diện, phân biệt dấu hiệu thật - giả của một số sản phẩm có nhu cầu cao, được người dân ưa chuộng trên thị trường.
Tại kỳ trưng bày lần này, có trên 500 sản phẩm thuộc một số lĩnh vực như: đồ uống; thực phẩm chăm sóc sức khỏe; mỹ phẩm; hàng tiêu dùng; thời trang, giầy dép, túi xách; kính mắt, mũ bảo hiểm, đồ điện tử…. Đây đều là những mặt hàng quen thuộc, thiết yếu, tuy nhiên có nhiều nguy cơ làm giả trên thị trường. Phần lớn các sản phẩm trưng bày là do lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Sản phẩm yến sào của thương hiệu Yến sào Khánh Hòa bị làm giả nhiều và được bày bán công khai trên thị trường. Theo thống kê của bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phát hiện trên 30 đơn vị, công ty sao chép mẫu mã, bao bì, thành phần sản phẩm; 15 công ty ở TP.HCM sử dụng tên “Yến sào Khánh Hòa” để đặt nhãn hiệu sản phẩm; 10 website chứa tên miền “Yensaokhanhhoa”.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết sản phẩm nước yến giả ghi hàm lượng yến từ 20% lên đến 70%, nhưng thực tế kiểm nghiệm hàm lượng yến thật có bên trong chiếm tỷ lệ không đáng kể. Sản phẩm có mã QR nhưng khi quét không ra thông tin. Trên bao bì ghi địa điểm sản xuất nhưng cơ quan chức năng vào kiểm tra chỉ là nơi gia công dán nhãn hiệu.
Số liệu của Tổng cục quản lý thị trường cho thấy, trong năm 2024, toàn lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp NSNN trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 04 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Trong đó, nổi bật là các vụ việc như: kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Kim Hương Dinh tại An Giang, phát hiện lô sản phẩm trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 1 tỷ đồng. Tiếp đến là vụ kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store, tại thành phố Cà Mau, phát hiện và tạm giữ 10 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu trị giá trên 1 tỷ đồng, chủ yếu bán qua hình thức livestream trên Facebook.
Hay vụ kiểm tra đột xuất với địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần tập đoàn ZENPALI, kinh doanh trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc với giá trị trên 1,1 tỷ đồng, bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên”, đây là một hot tiktoker nổi tiếng. Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành 03 quyết định xử phạt đối với 03 đối tượng với tổng số tiền phạt và thu lợi bất hợp pháp là: gần 457 triệu đồng.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục đạt được những thành quả nhất định. Theo đó, trong năm 2024, toàn lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 5.430 vụ vi phạm đối với lĩnh vực này, chuyển cơ quan điều tra 102 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 76 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 38 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu hình sự. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố 29 vụ án. Trị giá hàng hóa vi phạm chuyển giao cơ quan điều tra gần 100 tỷ đồng.