"Thật trớ trêu"
Trong bài viết đăng tải trên trang Indonesia Business Post, tác giả Renold Rinaldi giải thích lý do vì sao Nvidia lựa chọn Việt Nam thay vì Indonesia trong bước phát triển chiến lược ở Đông Nam Á.
Trước đó, trong thỏa thuận hôm 5/12, Nvidia tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu này sẽ tập trung vào phát triển phần mềm AI, tận dụng nguồn tài nguyên kỹ thuật, khoa học, công nghệ và toán học dồi dào của Việt Nam, cũng như các hệ sinh thái địa phương như ngành công nghiệp, công ty khởi nghiệp, trường đại học và các cơ quan chính phủ.
Tác giả Rinaldi nhận định, động thái của tập đoàn công nghệ Mỹ đã củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư công nghệ tại Đông Nam Á. Nhưng ông cũng cho rằng điều này "thật trớ trêu" khi CEO của Nvidia chỉ vừa mới đến thăm Indonesia hôm 14/11 để làm diễn giả chính tại sự kiện Indonesia AI Day 2024.
Sự kiện này được tổ chức bởi công ty viễn thông Indosat Ooredoo Hutchison tại Jakarta – một đối tác tiềm năng của Nvidia. Tại sự kiện, ông Huang thậm chí còn nhận được cuộc gọi đặc biệt từ Tổng thống Prabowo Subianto, trao đổi về các cơ hội đầu tư tại Indonesia.
Khi ấy truyền thông trong và ngoài Indonesia đều rầm rộ đưa tin rằng Nvidia đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm trí tuệ nhân tạo trị giá 200 triệu USD tại Indonesia, hợp tác với Indosat Ooredoo Hutchison, trong bối cảnh công ty công nghệ hàng đầu thế giới muốn mở rộng vào Đông Nam Á.
Theo Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia, Budi Arie Setiadi, cơ sở mới sẽ đặt tại thành phố Surakarta thuộc tỉnh Trung Java và sẽ củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và nhân tài kỹ thuật số địa phương.
Tuy nhiên, Indosat khi ấy đã không trả lời về thông tin này, trong khi Nvidia cũng từ chối bình luận.
Để rồi sau chưa đầy một tháng, mọi thứ không như lời đồn khi Nvidia lựa chọn Việt Nam, còn trung tâm AI tại Indonesia vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Indonesia tụt hậu so với Việt Nam?
Với diễn biến nói trên, tác giả Rinaldi cho rằng Indonesia có vẻ như đang tụt hậu so với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông đã dẫn quan điểm của nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (LPEM UI) của Đại học Indonesia, Teuku Riefky, chỉ ra một số trở ngại chính khiến Indonesia tụt hậu trong đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong phát triển AI, cụ thể là các điều kiện trong lĩnh vực việc làm, tài chính, đổi mới, tính chắc chắn về mặt pháp lý.
"Quy trình hành chính ở Indonesia dài hơn nhiều so với Việt Nam. Để khởi nghiệp, Indonesia cần 11 loại giấy tờ, trong khi ở Việt Nam chỉ cần 8 loại. Về thuế, Indonesia yêu cầu nhà đầu tư nộp 26 loại giấy tờ thuế, trong khi Việt Nam chỉ cần 6", Riefky trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Selular tại Jakarta hôm 5/12.
Ông cũng nhấn mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực của Indonesia đang suy giảm và hiện đang tụt hậu so với Việt Nam. "Chất lượng nhân lực của Indonesia vốn từng vượt trội hơn Việt Nam hiện đang bắt đầu tụt hậu và điều này sẽ tiếp tục trong vài năm tới", ông nói.
Vấn đề cởi mở với đầu tư nước ngoài cũng được chú ý. Dựa trên chỉ số, Indonesia là một trong những quốc gia G20 "khép cửa nhất" với đầu tư nước ngoài, chỉ tốt hơn Philippines.
Riefky đánh giá rằng nếu các cải cách lớn không được thực hiện ngay lập tức, Indonesia sẽ tiếp tục mất đi những cơ hội lớn như hiện đang xảy ra với Nvidia. "Việt Nam ngày càng vượt trội trong việc thu hút đầu tư, trong khi Indonesia phải đối mặt với những thách thức về mặt cấu trúc cần phải được giải quyết ngay lập tức", ông nói.
Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở Đông Nam Á, Indonesia cần phải thực hiện các bước cụ thể để đơn giản hóa các quy trình hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra sự chắc chắn về mặt pháp lý.
Riefky kết luận: "Những cải cách này rất quan trọng để tăng sức hấp dẫn đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng".