Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Từ “danh sách đen” đến kỳ tích hơn 100 tỷ USD: Huawei đã xoay chuyển thế cờ ra sao?

Doanh nhân.vn 1 Ngày trước

Giữa lúc ngành công nghệ Trung Quốc bị vây chặt bởi cấm vận và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khắt khe từ Mỹ, Huawei đã làm điều không tưởng: công bố mức doanh thu năm 2024 lên tới 862,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 118,16 tỷ USD), tăng hơn 22% so với năm 2023 và trở lại ngang với thời điểm trước khi bị Mỹ liệt vào “Danh sách đen” năm 2019. Dù lợi nhuận ròng giảm 28%, xuống còn 62,6 tỷ nhân dân tệ, thì giới quan sát vẫn đánh giá đây là một bước hồi sinh đáng kinh ngạc với một công ty từng bị giới công nghệ phương Tây dự đoán là sẽ tụt hậu dài hạn.

Thành công bất ngờ nhất đến từ mảng Giải pháp Ô tô Thông minh, với doanh thu 26,4 tỷ nhân dân tệ, tăng tới 474,4% so với năm trước. Mặc dù không trực tiếp sản xuất xe mang thương hiệu Huawei, tập đoàn đã cung cấp các giải pháp điều khiển thông minh, hệ thống tự lái và buồng lái số cho các hãng xe lớn như BYD, GAC Group hay Dongfeng Motor. Trong năm 2024, Huawei xuất xưởng hơn 23 triệu bộ linh kiện ô tô thông minh, hỗ trợ cho ít nhất 15 mẫu xe thương mại khác nhau.

Mảng tiêu dùng, từng là tâm điểm của các lệnh cấm vận Mỹ do liên quan đến chuỗi cung ứng chip, cũng bất ngờ tăng trưởng 38% và mang về 339 tỷ nhân dân tệ doanh thu. Huawei tiếp tục dẫn đầu thị phần smartphone cao cấp tại Trung Quốc, đồng thời mở rộng ra quốc tế với các mẫu điện thoại gập ba, dù phần lớn doanh số vẫn đến từ thị trường nội địa.

Bà Mạnh Vãn Chu, chủ tịch luân phiên của Huawei, mô tả kết quả kinh doanh năm 2024 là “đúng như kỳ vọng” và cho biết Huawei sẽ tiếp tục củng cố hệ sinh thái công nghệ bản địa, trong đó có hệ điều hành HarmonyOS nhằm thay thế Android, nền tảng Kunpeng cạnh tranh với chip Intel và AMD, và Ascend – một hệ thống tăng tốc AI được xem là đối trọng với Nvidia.

Dù lợi nhuận ròng giảm, Huawei lý giải điều này đến từ các khoản đầu tư dài hạn, khi chi phí R&D năm qua đã chạm mức kỷ lục 179,7 tỷ nhân dân tệ, chiếm hơn 20,8% tổng doanh thu. Tập đoàn này khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mức đầu tư cao cho nghiên cứu phát triển trong năm 2025, như một phần trong chiến lược “chất lượng cao” mà họ đang theo đuổi.

Ở các mảng khác, Huawei Cloud ghi nhận tăng trưởng 8,5%, năng lượng kỹ thuật số tăng hơn 24%, trong khi thiết bị viễn thông – trụ cột lâu đời của tập đoàn – vẫn tăng gần 5% và giữ vững ngôi đầu toàn cầu, xếp trên Ericsson, Nokia và Samsung.

Dù không công bố chi tiết về hoạt động sản xuất chip bán dẫn, Huawei cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Theo điều tra của Nikkei Asia, tập đoàn này đang âm thầm hỗ trợ hàng loạt công ty Trung Quốc – trong đó có SiCarrier – để gia tăng năng lực sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện và chip. Một báo cáo của Viện CSIS tại Mỹ cho biết Huawei bị nghi đã sử dụng các công ty trung gian để mua chip AI từ TSMC và tích trữ bộ nhớ băng thông cao, bất chấp các vòng siết xuất khẩu từ Mỹ.

Link bài gốc

Xem bản gốc