Cụ thể, vành đai có khả năng già bằng chính hành tinh này, với tuổi thọ lên tới khoảng 4,5 tỷ năm. Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng vẻ ngoài nguyên sơ của vành đai không phải do tuổi trẻ mà là do khả năng chống bụi bẩn cao.
Trước đây, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nghiên cứu Sao Thổ trong hơn một thập kỷ, trước khi kết thúc sứ mệnh vào năm 2017. Theo đó, các hình ảnh của Cassini không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy vành đai bị tối đi do va chạm với các thiên thạch nhỏ. Điều này đã khiến các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng vành đai có thể hình thành muộn hơn nhiều so với sự ra đời của hành tinh này.
Tuy nhiên, thông qua mô hình máy tính mới của nhà nghiên cứu Ryuki Hyodo và nhóm của ông tại Viện Khoa học Tokyo cho thấy, các thiên thạch siêu nhỏ bốc hơi khi va chạm với các vành đai, hầu như không có cặn bẩn và tối màu nào còn sót lại. Họ phát hiện ra rằng các hạt tích điện kết quả bị hút về phía Sao Thổ hoặc ra ngoài không gian, giúp các vành đai luôn sạch sẽ và thách thức giả thuyết về các “vành đai sơ sinh”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience chỉ ra rằng các vành đai có thể có tuổi đời khoảng 2,25 tỷ năm, nằm giữa hai mốc tuổi cực đoan. Nhưng với điều kiện hỗn loạn trong hệ Mặt Trời ban đầu, với các vật thể hành tinh lớn di chuyển, sự hình thành các vành đai của Sao Thổ có thể xảy ra gần với thời điểm ra đời của hành tinh hơn.