Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tỷ giá có còn là "ngáo ộp" với thị trường chứng khoán năm 2025?

Vneconomy 3 Giờ trước

Những chính sách thuế quan của ông Trump ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới bất an, trong đó có Việt Nam. Dù chưa lọt vào danh sách áp thuế nhưng Việt Nam được cho là không nằm ngoài mục tiêu của ông Trump khi thâm hụt thương mại của Việt Nam với Mỹ lớn.

Nhận định về tác động của Trump 2.0 lên Việt Nam, Chứng khoán ACBS cho rằng về tăng trưởng GDP mức độ ảnh hưởng sẽ là trung tính. Bên cạnh đó, mức ảnh hưởng thường không mạnh vào năm đầu tiên và sẽ gia tốc dần trong các năm tiếp theo.

Trong trung hạn, với quan điểm thận trọng xét trên bối cảnh Việt Nam đang có thặng dư thương mại ngày càng gia tăng với Mỹ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và là một trong những nước được hưởng lợi rõ rệt nhất từ làn sóng Trung Quốc +1 những năm vừa qua, nhiều tổ chức nghiên cứu trong đó có Fitch ước tính rằng GDP năm 2028 của Việt Nam có thể giảm 1% so với bình thường.

Dù vậy, Việt Nam sẽ phải tìm cách cân đối cán cân thương mại với Mỹ thông qua việc nhập khẩu một số hàng hóa từ Mỹ dự kiến là LNG, máy bay và chip, từ đó giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ thương mại.

Với xuất nhập khẩu, giả định tổng nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu không giảm, bên cạnh đó có sự khác biệt giữa mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc và hàng hóa Việt Nam và các nước khác, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, tăng cường xuất khẩu một số mặt hàng sang Mỹ, giúp GDP có thể tăng thêm khoảng 0,5%. Trên thực tế, ngày đầu tháng 2 vừa qua, ông Trump đã tăng thuê quan thêm 10% với toàn bộ mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, rủi ro cho Việt Nam là chính quyền Trump có thể áp dụng các mức thuế mạnh mẽ như thuế chống bán phá giá và điều tra nguồn gốc xuất xứ. Điều này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng gỗ, thủy sản, săm lốp và dệt may.

Ngoài ra, với chính sách thuế nhập khẩu tăng lên, nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ về lâu dài có thể giảm do chi phí hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ, từ đó kéo theo sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam. Với tỷ trọng 30% giá trị hàng xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một cách sâu rộng.

Nhu cầu Mỹ giảm có thể dẫn đến việc hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang các thị trường khác, tạo áp lực cạnh tranh lên các hàng hóa và các ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam.

Với vốn FDI, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong các nước được hưởng lợi từ dòng vốn FDI của các doanh nghiệp di dời khỏi Trung Quốc nuhw trong nghiệm kỳ đầu tiên của Trump. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi nhiều hay ít sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như Việt Nam được định vị là một trong các nước "ngoài Trung Quốc" hay là "sân sau" cho hàng hóa Trung Quốc để tránh nguồn gốc xuất xứ. Tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI nói chung xét trên bình diện pháp lý, chi phí, mức độ ổn định của nguồn điện, hệ thống công nghiệp phụ trợ...

Trong khi đó, chính sách thuế của Trump và chiến dịch MAGA được đánh giá sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Mỹ, giúp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn gia tăng sức mạnh của DXY. Về lâu dài có thể khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khiến lạm phát của Mỹ khó hạ nhiệt hơn, và tốc độ hạ lãi suất của FED sẽ chậm hơn. Bên cạnh đó, sức ép của Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải cân nhắc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Việt Nam vừa phải cạnh tranh thị trường xuất khẩu tại Mỹ với Trung Quốc, vừa có tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào rất lớn từ Trung Quốc, lại có một nền sản xuất hàng tiêu dùng trong nước dễ bị Trung Quốc xâm nhập - có thể đứng trước áp lực gia tăng cả tỷ giá và lãi suất trong năm 2025.

Với thị trường chứng khoán, rủi ro tỷ giá có thể là yếu tố tiêu cực nhất tác động tới thị tường chứng khoán Việt Nam trong một số thời điểm của năm 2025.

Tuy nhiên, tổng hòa lại, tác động từ các chính sách của Trump 2.0 lên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được trung hòa do nhiều yếu tố bao gồm: Có sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố rủi ro và cơ hội ở từng nhóm doanh nghiệp đối với ảnh hưởng của chính sách thuế và tỷ giá.

Việt Nam có thể giảm thiểu căng thẳng thương mại bằng việc đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ; Sự xoay chuyển trong quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2025 và một thập kỷ tới của Việt Nam; khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài tự sự kiện nâng hạng lên thị trường mới nổi năm 2025.

Xem bản gốc