Đây là nội dung được ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Chuyển đổi số Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII chia sẻ với MarketTimes về những thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng AI vào khu vực công.
Marketimes: Ứng dụng AI vào công việc đang là xu hướng diễn ra trên toàn thế giới, tại Việt Nam, thực trạng về đầu tư AI tại khu vực công hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Long: AI đang trở thành động lực quan trọng của chuyển đổi số không chỉ tại Việt Nam mà trên quy mô toàn cầu. Trong khu vực công, việc ứng dụng AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm thể hiện quyết tâm chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI. Nổi bật là Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Gần đây nhất, Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành ngày 09/01/2025 tiếp tục khẳng định định hướng ưu tiên AI như một trụ cột trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, yêu cầu rõ ràng là đẩy mạnh ứng dụng AI vào công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước.
Với cương vị là Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII và là người trực tiếp triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực công, tôi nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực từ phía các cơ quan hành chính. Viện ABAII đã phối hợp triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng AI cho hơn 20 cơ quan, đơn vị trong vòng hơn một năm qua. Điều đáng ghi nhận là sự chủ động, tích cực từ cả cấp lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tiếp cận, học hỏi và tìm kiếm cơ hội áp dụng AI vào thực tiễn.
Tuy vậy, thực trạng đầu tư AI trong khu vực công hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Phần lớn các ứng dụng AI mới chỉ dừng ở mức thí điểm, tập trung vào một số lĩnh vực như hành chính công, giao thông, y tế, giáo dục, và chưa được triển khai đồng bộ giữa các địa phương. Các dự án vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa hình thành được hệ sinh thái đủ mạnh để vận hành sâu rộng, bền vững.
MarketTimes: Đâu là những khó khăn khi ứng dụng công nghệ AI vào cả khu vực công và khu vực tư ở Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Long: Việc ứng dụng công nghệ AI tại Việt Nam, dù trong khu vực công hay tư, đều đang đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống. Đây không chỉ là những rào cản kỹ thuật, mà còn bao gồm các yếu tố về nhận thức, nguồn lực và khung pháp lý.
Thứ nhất, bài toán dữ liệu là trở ngại quan trọng hàng đầu. AI chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được huấn luyện bằng các bộ dữ liệu chất lượng cao, có cấu trúc và được chuẩn hóa. Tuy nhiên, trong thực tế, dữ liệu tại các cơ quan nhà nước còn rời rạc, phân tán và thiếu kết nối liên thông giữa các hệ thống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi hệ thống dữ liệu còn phụ thuộc nhiều vào thao tác thủ công.
Thứ hai là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về AI. Cả khu vực công và tư đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ có nền tảng về học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên hay thị giác máy tính. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nội địa hóa và tự chủ trong triển khai các giải pháp AI.
Thứ ba, chi phí đầu tư ban đầu cho AI khá lớn, bao gồm phần cứng, phần mềm, hệ thống lưu trữ và tính toán chuyên biệt, cùng với đó là chi phí duy trì đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia. Điều này khiến nhiều tổ chức, nhất là trong khu vực công, còn lưỡng lự khi lên kế hoạch triển khai.
Một khó khăn quan trọng nữa là thiếu khung pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng về việc ứng dụng và giám sát các hệ thống AI. Điều này dẫn đến sự e dè, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như hành chính công, y tế, tài chính, khi tổ chức còn lo ngại về rủi ro pháp lý, trách nhiệm dữ liệu và đạo đức công nghệ.
Cuối cùng, tâm lý dè dặt với công nghệ mới cũng là rào cản cần vượt qua. Trong khu vực công, các quy trình phê duyệt, thử nghiệm và đưa công nghệ vào vận hành thường mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tốc độ đổi mới so với khu vực tư.
Chúng tôi tin rằng, để AI thực sự phát huy vai trò tại Việt Nam, trước tiên cần bắt đầu từ giải pháp phù hợp năng lực nội tại, lấy đào tạo, phổ cập và xây dựng niềm tin công nghệ làm trọng tâm trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay.
MarketTimes: Ông đánh giá những ưu và nhược điểm khi đầu tư AI vào khu vực công?
Ông Nguyễn Đức Long: Việc đầu tư và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực công mang lại nhiều tiềm năng đáng kể, đồng thời cũng đi kèm với những thách thức mà chúng ta cần nhận diện rõ để có cách tiếp cận phù hợp.
Về mặt ưu điểm, AI là công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động trong khu vực hành chính công, thông qua việc tự động hóa nhiều quy trình lặp lại, như xử lý văn bản, tiếp nhận hồ sơ hay phân loại thông tin. Không chỉ vậy, chất lượng dịch vụ công cũng được cải thiện rõ rệt khi ứng dụng các công cụ như chatbot AI, giúp người dân được hỗ trợ 24/7 mà không phụ thuộc vào giờ hành chính. Bên cạnh đó, AI còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ ra quyết định chính sách nhờ khả năng phân tích dữ liệu nhanh, sâu và có tính hệ thống - điều mà con người khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn với độ chính xác tương đương.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư vào AI trong khu vực công cũng không tránh khỏi những rào cản. Chi phí triển khai ban đầu là không nhỏ, đặc biệt khi đi kèm với yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bảo mật và lưu trữ dữ liệu lớn. Ngoài ra, nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về AI trong khu vực công hiện còn rất thiếu, khiến quá trình triển khai gặp nhiều hạn chế về vận hành và khai thác hiệu quả. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là khung pháp lý hiện hành chưa theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ, dẫn đến tâm lý e ngại hoặc chậm trễ trong việc ứng dụng AI vào các hoạt động quản lý nhà nước.
Trước những thuận lợi và thách thức đó, tôi cho rằng điều quan trọng là chọn một cách tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tế. Khu vực công không nhất thiết phải đầu tư lớn ngay từ đầu, mà có thể bắt đầu từ những ứng dụng AI quy mô nhỏ, dễ triển khai, tạo ra giá trị rõ ràng trong thời gian ngắn, từ đó từng bước mở rộng và nâng cấp theo lộ trình. Đây cũng chính là cách tiếp cận mà Viện ABAII đang triển khai tại nhiều cơ quan trung ương và địa phương, với trọng tâm là tính thực tiễn, chi phí hợp lý và hiệu quả bền vững.
MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!