Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Ủng hộ app chat Việt, doanh nghiệp khẳng định: "Lotus Chat mà gãi đúng chỗ ngứa, mất phí chúng tôi cũng dùng"

Markettimes 1 Tháng trước

Sợi dây chỉ đường

Bên trong studio rộng khoảng 60m2, nhóm nhân viên đa phương tiện của công ty Everflow đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng của buổi chụp và ghi hình sản phẩm cho khách hàng.

Các file công việc nhanh chóng được luân chuyển qua từng bộ phận thiết kế, hậu kỳ chỉnh sửa, góp ý, trưởng nhóm kiểm tra lần cuối, trước khi đưa cho nhân viên phụ trách khách hàng chốt lại với đối tác.

Tất cả quá trình giao tiếp nội bộ được thực hiện trên Lotus Chat, nền tảng nhắn tin do người Việt phát triển ra mắt hồi giữa tháng 10, nhấn mạnh các tính năng bảo mật, phục vụ công việc.

Everflow là công ty quy mô nhỏ, hoạt động đa lĩnh vực gồm cả truyền thông và giải pháp phần mềm, với nhiều nhóm chuyên môn khác nhau. Các ứng dụng chat đóng vai trò quan trọng để các thành viên trong nhóm giao tiếp cũng như kết nối với các nhóm khác, tạo nên luồng công việc xuyên suốt, thuận lợi cho ra sản phẩm cuối cùng.

"Các ứng dụng nhắn tin giống như sợi dây chỉ đường đưa công việc đến đích. Thảo luận nhóm, chỉnh sửa file, gần như mọi thứ đều được giải quyết trên đây", ông Nguyễn Huy Thân, người đứng đầu công ty Everflow Software, giám đốc truyền thông Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp (IEED), cho biết.

Với quy mô nhân sự không lớn, nhu cầu ít phức tạp, việc trả phí cho các ứng dụng quản lý công việc chuyên nghiệp hay các ứng dụng nhắn tin nước ngoài không phải là lựa chọn tối ưu. Các ứng dụng này ít người sử dụng, mang tính nội bộ, hạn chế trong giao tiếp với khách hàng Việt – Everflow từng thử nhưng dừng lại vì không phù hợp - ông Thân nói thêm.

Hiện tại, Everflow sử dụng Zalo – nền tảng chat được nhiều người sử dụng nhất ở Việt Nam để giao tiếp trong công việc cũng như với kết nối với đối tác vì nhanh, miễn phí, phổ biến. Nhưng các tính năng của Zalo chưa được chăm chút nhiều cho cho mục đích công việc.

"Chúng tôi dùng Zalo như một thói quen, vì gần như tất cả mọi người đều sử dụng", ông Thân nói.

"Zalo hoàn hảo trong trò chuyện nhưng chưa tối ưu tốt cho các mục đích về công việc như lưu trữ file, đồng bộ dữ liệu. Trong quá trình sử dụng, file truyền qua lại giữa các nhóm thường xuyên bị xóa sau một thời gian vì chỉ có thời hạn lưu giữ nhất định. Dữ liệu của Zalo ngày càng nhiều lên, lấp đầy dung lượng thiết bị".

Ra đời từ 2011, Zalo là nền tảng trò chuyện được ví như "có trên mọi điện thoại của người Việt", cung cấp đa tính năng từ gửi tin nhắn, gọi điện video, chia sẻ vị trí, gửi tệp tin... Nền tảng này lưu trực tiếp dữ liệu lên thiết bị người dùng thay vì server, yêu cầu phải chủ động sao lưu.

Ông Nguyễn Huy Thân, giám đốc Everflow Software.

"Khi đăng nhập trên các thiết bị khác nhau, đặc biệt là trên máy tính, đôi khi dữ liệu không được đồng bộ tốt, cuộc gọi nhỡ và thông báo hay các file dữ liệu cũng không xuất hiện. Nhiều khi nhân viên của tôi phải thực thêm thao tác chuyển tiếp lại file ở trên điện thoại sang máy tính để sử dụng tiếp, hoặc đôi khi là không tải được file do file đã bị xóa", ông Thân chia sẻ thêm.

Nhu cầu 3 trong 1

Bận rộn trong công việc vận hành nhà hàng và chuẩn bị mở thêm chi nhánh mới, chị Đỗ Minh – giám đốc dự án nhà hàng SALArt cũng gặp khó khăn trong quản lý các đầu mối giao tiếp.

Trong ngày, người phụ nữ này liên tục phải chuyển qua lại nhiều ứng dụng chat. Facebook Messenger để trả lời tin nhắn khách hàng trên page, Zalo để liên hệ với nhà cung ứng, đơn vị thiết kế, phân phối đầu việc cho nhân viên; Lark để trao đổi định hướng với đội ngũ lãnh đạo.

Tuy nhiên, công cụ trao đổi công việc chính vẫn là Zalo, vì Lark chỉ là nền tảng nội bộ, trong khi Facebook Messenger không tìm kiếm được người dùng qua số điện thoại.

"Zalo ở Việt Nam rất tiện, giống như bước chuyển tiếp để kết nối nhanh hơn với đối phương. Khi muốn gửi thêm thông tin hay trao đổi điều gì đó cụ thể, mọi người chỉ đơn giản là lấy số điện thoại và kết bạn với nhau", chị Minh nói.

"Nhưng Zalo không dành cho những công việc đòi hỏi tính chất lưu trữ. Tôi có các nhóm với nhân viên quầy, nhà cung ứng, đơn vị thiết kế, với nhiều file và tin nhắn quan trọng. Đôi khi muốn tìm lại các báo giá, hóa đơn từ phía nhà cung ứng để tổng kết thu chi, hay xem lại bản thiết kế nhà hàng mới, nhưng lâu quá là không còn. Muốn giữ các tài liệu quan trọng thì phải tự tay lưu lại".

Dẫu vậy, nữ quản lý này nói sẽ vẫn tiếp tục dùng Zalo vì đơn giản là tất cả mọi người đều sử dụng. Làm ngành nhà hàng, quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để giao tiếp nhanh nhất, còn công việc thì có thể tìm đến những công cụ khác.

Ngoài Zalo, thị trường Việt Nam hiện có nhiều nền tảng chat khác như WhatsApp, Viber, Telegram hay phổ biến hơn là Facebook Messenger, được nhiều tổ chức, công ty sử dụng là nền tảng giao tiếp cho công việc. Nhưng theo ông Thân, các ứng dụng này không thể sánh bằng Zalo vì thiếu yếu tố thuần Việt.

"Có rất nhiều công cụ trên thế giới làm rất tốt bài toán công việc như WhatsApp hay Telegram, tính bảo mật cao, trải nghiệm người dùng ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lựa chọn Zalo để sử dụng bởi vì đây là công cụ của người Việt, hiểu người Việt nhất. Đơn giản như Telegram, giao diện tiếng Anh khiến nhiều người ngại sử dụng",

Được giới thiệu từ người trong ngành, doanh nghiệp nhỏ của ông Thân chỉ mới áp dụng Lotus Chat trong một vài tuần trở lại đây, cho rằng ứng dụng chat mới còn gặp vài lỗi về kết nối nhưng có đủ sự mới mẻ để níu chân.

"Doanh nghiệp nhỏ lại hay giao tiếp với khách hàng như chúng tôi muốn một ứng dụng chat gần gũi với người Việt, có thể đáp ứng cả mục đích truyền tiếp file trong công việc hay kết nối nhanh chóng với khách qua số điện thoại. Không cần quá nhiều tính năng cao siêu mà chỉ cần đáp ứng được về cơ bản. Nếu Lotus Chat giải quyết được bài toán 3 trong 1 đấy thì đó là lợi thế".

Ông cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để sử dụng Lotus Chat nếu như có những tính năng đặc biệt và "gãi đúng chỗ ngứa".

Lotus Chat đi đường nào?

Lotus Chat được ví như sự kết hợp của tính thuần Việt, kết nối nhanh như Zalo và tính năng công việc, bảo mật của Telegram. Bên cạnh đó, ứng dụng mang tới nhiều tính năng nổi bật như gửi file dung lượng lớn 1GB – (nhiều ứng dụng chat không đạt được con số này), trợ lý ảo nhắc việc, ghim đầu việc trong nhóm, bí danh, ghi âm khi gọi điện.

Nhưng tính năng chưa hẳn là yếu tố hàng đầu lôi kéo người dùng. Nền tảng nhắn tin cần có cộng đồng người sử dụng ban đầu để để thu hút dần người dùng phía sau. Điều này đặt ra câu hỏi, tìm cộng đồng người dùng ban đầu ở đâu.

"Trong thời đại sản phẩm ra đời nhanh chóng, sóng sau xô sóng trước, hữu xạ tự nhiên hương là chuyện rất khó. Lotus Chat nên tìm đến những đối tượng sử dụng như các công ty nhỏ, nhóm làm việc nhỏ. Những người có nhu cầu thực sự về một app chat công việc. Một đối tượng khác là người trẻ. Họ ưa thích trải nghiệm công nghệ mới và sẵn sàng lan tỏa", ông Thân nêu quan điểm.

"Lotus Chat ứng dụng các công cụ như AI hoặc các tính năng mới giúp gia tăng trải nghiệm và hỗ trợ cho công việc hoàn toàn có thể chiếm được thị phần riêng đối với các doanh nghiệp hiện nay, bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ rất chú trọng đến ứng dụng nâng cao hiệu suất công việc, bù đắp cho sự hạn chế về nhân lực".

Chỉ mới nghe về Lotus Chat trong thời gian gần đây, chị Minh cho biết sẽ thử trải nghiệm. "Công cụ chat sẽ tiện hơn nếu được tích hợp càng nhiều tính năng và đảm bảo đa mục đích", nữ quản lý nhà hàng cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2024, Zalo là nền tảng có lượng người dùng lớn nhất Việt Nam, với 76,5 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, vượt qua cả 3 nền tảng Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).

Sau hơn một tháng ra mắt Lotus Chat hiện thu hút được 200.000 người dùng, trong đó nhà phát triển kỳ vọng sớm đạt 1 triệu người dùng trong thời gian tới. Bài toán ở chỗ làm thế nào để mở rộng hơn nữa khi thị trường đã định hình.

"Tôi nghĩ ai cũng sẽ muốn ủng hộ cho một ứng dụng Việt Nam, đặc biệt hơn nếu ứng dụng đó đủ tốt. Thậm chí là chưa tốt, chúng tôi cũng sẵn sàng sử dụng để tìm hiểu và góp ý cho nhà phát triển", ông Thân dưới góc nhìn doanh nghiệp, chia sẻ.

Chị Minh cho rằng sự ra đời của Lotus Chat xuất phát từ chính nhu cầu thị trường.

"Khi người dùng cảm thấy sự phiền toái ở ứng dụng hiện tại, họ sẽ có xu hướng tìm một ứng dụng khác để tối ưu hóa cho công việc của mình. Quan trọng là ứng dụng đó có nhiều người sử dụng và miễn phí".

Xem bản gốc