Dẫn số liệu từ Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho biết tháng 6/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Việt Nam đạt 3,2 tỷ SGD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam đạt 2,2 tỷ SGD, tăng 22,8%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 993,6 triệu SGD, tăng 51,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại thứ 10 của Singapore với kim ngạch trao đổi song phương đạt tổng cộng 19,5 tỷ SGD, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2024. Trong đó: xuất khẩu tới Việt Nam đạt 13,9 tỷ SGD, tăng 24,4%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,5 tỷ SGD, tăng 40,1%.
Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đến Việt Nam đạt gần 3,9 tỷ SGD, tăng 13,4%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 10,1 tỷ SGD, tăng 29,2%.
6 tháng đầu năm 2025, Singapore đang là nước xuất siêu với giá trị 8,4 tỷ SGD, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về xuất xứ hàng hóa, Việt Nam xuất siêu sang Singapore đạt hơn 1,6 tỷ SGD.
Nhóm máy móc - thiết bị điện và bộ phận (mã HS 85) tiếp tục là nhóm hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất mà Singapore nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 2,7 tỷ SGD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm đến 49,8% tổng giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam.
Đứng thứ 2 và 3 về giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam lần lượt là các nhóm: Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và bộ phận (HS 84), đạt 1,2 tỷ SGD, tăng 80,9%; thủy tinh và sản phẩm bằng thủy tinh (HS 70), đạt 430,5 triệu SGD, tăng 16,8%.
Đặc biệt, Việt Nam hiện là đối tác cung ứng gạo thứ ba tại thị trường Singapore, chiếm được thị phần cao trong các nhóm gạo tẻ trắng và gạo thơm xay xát/tróc vỏ.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết 6 tháng đầu năm 2025, giá trị nhập khẩu các sản phẩm gạo nói chung từ Việt Nam của Singapore đạt 60,9 triệu SGD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 24,5% tổng thị phần gạo nhập khẩu tại thị trường này.
Mặc dù quy mô thị trường Singapore không có sự thay đổi nào đáng kể, tuy nhiên về mặt giá trị nhập khẩu, tổng giá trị nhập khẩu gạo của Việt Nam vào Singapore giảm 17,1% so với cùng kỳ, có thể do giá gạo xuất khẩu giảm so với năm 2024. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, giá gạo xuất khẩu bình quân nửa đầu năm 2025 Việt Nam ước đạt 517,5USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện gạo tẻ trắng là nhóm có giá trị nhập khẩu cao nhất trong số các nhóm sản phẩm gạo của Việt Nam vào thị trường Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2025, đạt 38,6 triệu SGD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 29,6% thị phần.
Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cũng ghi nhận, gạo tẻ trắng là nhóm mà Singapore có mức độ đa dạng nguồn cung từ nước ngoài cao (trên 20 nước đối tác). Mặc dù vậy, thị phần của Việt Nam đối với nhóm này hiện đứng thứ 2, sau Ấn Độ (60,9 triệu SGD, chiếm 46,7% thị phần).
Ngoài gạo tẻ trắng, Việt Nam có hai nhóm khác có giá trị nhập khẩu cao vào thị trường Singapore là nhóm gạo thơm xay xát/tróc vỏ và gạo nếp, giá trị nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt tương ứng 15,5 triệu USD và 4,7 triệu USD, chiếm lần lượt 57% và 61% thị phần nhập khẩu tại Singapore.
Mặc dù, giá trị nhập khẩu hai nhóm này từ Việt Nam của Singapore tiếp tục có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ 2024, nhưng hiện Việt Nam vẫn đang tạm thời giữ vị trí dẫn đầu về nguồn nhập khẩu hai nhóm này vào Singapore.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng nhận định trong thời gian tới, với việc quy mô thị trường gạo nhập khẩu tại Singapore được duy trì ổn định, gạo Việt Nam sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh lớn từ sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Việc Chính phủ Singapore đề xuất ký Hiệp định thương mại song phương mặt hàng gạo với Việt Nam có thể sẽ góp phần ổn định nguồn xuất khẩu gạo vào Singapore trong thời gian tới.